Hiện đang vào mùa mưa nên huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn.
Những năm trước, xã Đại Lãnh luôn là điểm nóng dịch bệnh SXH của huyện. Năm nay, ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh SXH một cách cụ thể, chi tiết. Ông Nguyễn Lê Ngọc Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, từ đầu năm đến nay, xã đã thực hiện 2 đợt diệt lăng quăng; duy trì giám sát các khu vực có ổ dịch cũ từ những năm trước; đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến người dân. Đến tháng 9, số ca mắc SXH trên địa bàn là 14 ca, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh SXH; tổ chức diệt lăng quăng…
Theo lãnh đạo Phòng Y tế huyện, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH luôn được huyện quan tâm, thường xuyên tổ chức giám sát ca bệnh, xử lý kịp thời. Từ đầu năm đến nay, địa phương đã thực hiện 8 đợt diệt lăng quăng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh SXH bằng nhiều hình thức. Nhờ đó đã góp phần hạn chế thấp nhất số ca mắc SXH. Đến tháng 9, toàn huyện có hơn 500 ca mắc, không có trường hợp nào tử vong do SXH. Tuy số ca mắc không cao so với các địa phương khác của tỉnh nhưng cũng tương đương với số ca mắc SXH của năm 2018 (530 ca). Vì vậy, địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch.
Ông Trần Ngọc Khiêm – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống các dịch bệnh ở người của huyện cho biết, ban thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác triển khai phòng, chống dịch tại các xã, thị trấn; kiểm tra thực tế tại các khu dân cư nhằm nắm bắt các vướng mắc để chỉ đạo giải quyết kịp thời. Để công tác phòng, chống dịch bệnh SXH đạt hiệu quả, huyện đã chỉ đạo các địa phương phải tập trung cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về các biện pháp phòng, chống SXH; thực hiện phối hợp đồng bộ, huy động đoàn viên, hội viên và nhân dân cùng tham gia dọn vệ sinh môi trường và diệt lăng quăng tại khu dân cư; tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống SXH trong trường học. Đối với cơ quan chuyên môn, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống SXH, nhất là tại các xã trọng điểm, có nguy cơ bùng phát dịch cao, các ổ dịch của những năm trước; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân… nhằm không để bùng phát dịch bệnh SXH trên địa bàn trong thời gian tới.
THANH HẢI
Theo: Báo Khánh Hòa