Phiên xử vụ án cướp giật tài sản diễn ra trong một phòng xử nhỏ nhưng người dự vẫn có cảm giác trống trải, bởi ngoài bà ngoại của bị cáo, chẳng có thêm người thân nào khác.
Tính đến khi hầu tòa, bị cáo N.L.K.D mới được 18 tuổi nhưng đã không có nơi cư trú nhất định, cũng chẳng có nghề nghiệp gì. Có lẽ, những đồng tiền đầu tiên mà D. có được khi bước vào tuổi trưởng thành lại đến từ một hành vi phạm tội khi D. cướp giật chiếc điện thoại trị giá hơn 7 triệu đồng của một phụ nữ nước ngoài. Bà ngoại của D. tóc đã bạc, bàn tay run run, ra tòa, chỉ năn nỉ xin giảm nhẹ hình phạt cho D.
Không quanh co như nhiều bị cáo từng vào tù ra tội, D. thành khẩn khai nhận mọi hành vi phạm tội, cũng chẳng kể lể hoàn cảnh để thanh minh. Khi một vị trong hội đồng xét xử chất vấn lý do không chí thú học hành, D. mới cúi đầu lí nhí, bị cáo không có điều kiện học tiếp. Từ năm 3 tuổi, D. đã sống với bà ngoại ở TP. Hồ Chí Minh. Đến năm lớp 9, D. về Nha Trang, 2 năm sau lại vào TP. Hồ Chí Minh, rồi về lại Nha Trang… Do chuyển liên tục, bị cáo không thể theo học.
Nghe cháu khai xong, bà ngoại D. lắc đầu thở dài và giãi bày, bà nuôi D. từ bé. Chính bà đi làm giấy khai sinh cho D. được đi học; nhưng khai sinh mà không biết cha D. là ai vì mẹ D. không đăng ký kết hôn; cha D. cũng chưa từng xuất hiện. Thương cháu, bà chăm chút từng ly từng tý, tự nhủ gắng khỏe mạnh để kiếm sống, đặng lo cho cháu học xong phổ thông. Nhưng năm D. học lớp 9, mẹ D. đột ngột tới, năn nỉ đưa D. về Nha Trang nuôi. “Tôi không muốn giao D. cho mẹ, vì mẹ đã bỏ nó cho tôi nuôi từ hồi nhỏ, đâu có đoái hoài. Với lại, tôi cũng muốn nuôi nó học ổn định đến xong phổ thông. Nhưng mẹ nó nói miết. Nghĩ mình chỉ là bà mà đòi giữ cháu, nên tôi đành giao D.”, bà ngoại D. phân trần. D. về Nha Trang được một thời gian thì mẹ D. không còn tiền nuôi ăn học, nên D. lại phải quay về TP. Hồ Chí Minh. D. bị đẩy đi kéo lại như vậy mấy lượt thì bà ngoại D. cũng già dần, không còn đủ lực nuôi D., nên D. bỏ học.
Chấm nước mắt, bà ngoại D. run run nói: “Khi mẹ cháu bị tạm giữ, tôi cũng chỉ nghe qua hàng xóm chứ không biết rõ, vì mẹ nó đâu ở cùng tôi. Cũng vì không được liên tục chăm sóc D. nên tôi cũng chỉ biết cháu phạm tội khi tivi thông báo. Tôi xin giảm án cho D. vì nó còn nhỏ quá, xin tòa hãy cho cháu cơ hội”. Nói rồi bà khóc.
Thấy bà khóc, vai bị cáo D. chợt run từng đợt. Tòa vừa tuyên 2 năm 3 tháng tù, D. xin được ôm bà, vùi mặt khóc, rồi lặng lẽ theo cảnh sát về nơi giam. Lập cập bước theo sau cháu, bà ngoại D. vừa chùi nước mắt, vừa dặn với theo: “Mau về con nhé, ngoại chờ”.
Hy vọng, bà ngoại của D. vẫn khỏe mạnh để làm chỗ dựa tinh thần cho D. khi bị cáo hoàn lương, như đã là chỗ dựa ấm áp bù đắp sự thiếu vắng cả cha lẫn mẹ trong suốt thời thơ ấu của D.
TAM THUẬT
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-toa/202008/cho-dua-cua-nguoi-con-8178820/