Được kỳ vọng sẽ giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, thế nhưng thực tế, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS nghèo chưa đến được với người dân Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).
Ông Huỳnh Bá Linh – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Trưởng ban Dân tộc HĐND huyện Khánh Vĩnh cho biết: Theo Quyết định số 54 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS nghèo giai đoạn 2012 – 2015 (Quyết định này đã được gia hạn thêm 1 năm), hộ đồng bào DTTS nghèo sẽ được vay với mức 8 triệu đồng/hộ, được hỗ trợ 100% lãi suất, thời gian vay tối đa 5 năm và được gia hạn thêm thời gian trả nợ vay… Với chính sách này, địa phương kỳ vọng các hộ đồng bào DTTS nghèo sẽ giải quyết được một phần khó khăn về vốn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai, chính sách này chưa thể trở thành trợ lực cho người nghèo ở huyện Khánh Vĩnh phát triển kinh tế. Một trong những nguyên nhân là người dân không tiếp cận được thông tin về chính sách này. Một người dân ở xã Khánh Phú cho biết: “Gia đình tôi là hộ đồng bào DTTS nghèo ở địa phương, lâu nay việc làm ăn, phát triển kinh tế rất khó khăn do không có vốn để đầu tư. Việc vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện rất khó khăn, do phải qua nhiều khâu bình xét ở địa phương. Riêng chủ trương cho vay để phát triển sản xuất với mức 8 triệu đồng/hộ theo Quyết định 54 tôi chưa được biết”. Với những hộ nắm bắt được thông tin thì để được vay 8 triệu đồng họ phải được thôn bình xét qua nhiều tiêu chí; phải có phương án sản xuất; sau đó, UBND xã mới tổng hợp gửi lên UBND huyện phê duyệt; qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiểm tra thêm một lần nữa mới được giải ngân nên rất lâu. Trong khi các nguồn vốn khác thủ tục vay không khác mấy nhưng mức vay lại cao hơn nên họ chọn vay nguồn vốn khác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong cả giai đoạn triển khai chỉ có 13 hộ được giải ngân với tổng số vốn vay 104 triệu đồng. Trong khi theo danh sách của huyện có tới 193 hộ có nhu cầu vay. Sau đó, chính sách này gia hạn thêm 1 năm nhưng vẫn không có thêm hộ nào được giải ngân.
Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn huyện thấp, ông Nguyễn Minh Hoan – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Về phía ngân hàng không có bất kỳ vướng mắc nào, chỉ cần hồ sơ hợp lệ là tiến hành giải ngân. Tuy nhiên, trong danh sách 193 hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu vốn được UBND huyện phê duyệt, có nhiều hộ đã vay từ các nguồn vốn chính sách khác, đã đủ hạn mức quy định nên không thể vay tiếp; một số hộ sau khi được phê duyệt danh sách, do nhu cầu vay lớn hơn, trong khi mức vay từ nguồn vốn này chỉ ở mức 8 triệu đồng/hộ nên các hộ không vay”.
Theo ông Huỳnh Bá Linh: “Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy chính sách này có ý nghĩa rất lớn, giải quyết được một phần vốn sản xuất, phát triển kinh tế cho các hộ đồng bào DTTS tại các địa phương miền núi. Tuy nhiên, chính sách này không đi vào thực tế do việc triển khai từ cấp trên xuống còn chậm. Đến năm 2015, UBND huyện Khánh Vĩnh mới phê duyệt được danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, sự phối hợp triển khai của các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở chưa chặt chẽ nên số hộ tiếp cận nguồn vốn này thấp. Ngoài ra, việc chính sách này tồn tại song song với nhiều chính sách cho vay vốn khác có mức vay cao hơn nên người dân lựa chọn nguồn vốn vay khác”.
Từ thực tế trên, ông Linh kiến nghị, đối với các chính sách này nếu có sự điều chỉnh, tiếp tục triển khai trong những năm tới thì cần triển khai nhanh; đối tượng được vay cần mở rộng thêm, điều kiện đơn giản hơn để có nhiều hộ vay. Đối với UBND cấp xã, cần tích cực tuyên truyền để người dân biết, làm các thủ tục vay vốn. Về phía người dân, cần sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay theo các kênh chính sách, sử dụng đúng mục đích để phát triển kinh tế…
BÍCH LA
Theo: Báo Khánh Hòa