Nghị định 75/2015 của Chính phủ với mục tiêu quan trọng là hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai chính sách theo nghị định này trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn chậm, chưa đến được với người dân.

Theo ông Nguyễn Ngô – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, Nghị định 75 có ý nghĩa lớn đối với các hộ nghèo, nhất là ở các địa phương miền núi. Tuy nhiên, chính sách này chưa đi vào cuộc sống, bởi Nghị định 75 có từ năm 2015 nhưng đến nay người dân vẫn chưa được hưởng lợi. Vì vậy, cần làm rõ nguyên nhân chậm do đâu, từ cấp tỉnh hay cấp huyện, cấp cơ sở.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi Nghị định 75 ra đời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp, mời các địa phương, đơn vị chủ rừng có liên quan triển khai việc thực hiện các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng. Sở đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ rừng xác định diện tích, nhu cầu kinh phí khoán bảo vệ rừng cho từng đối tượng, loại rừng; xác định diện tích, nhu cầu kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng; hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng có trồng bổ sung cho từng đối tượng, loại rừng; xác định nhu cầu cấp gạo cho các hộ có trồng rừng thay thế nương rẫy. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn cụ thể đối với UBND cấp huyện cũng như các ban quản lý, công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến nay chưa có hộ nào được hưởng lợi từ chính sách này.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Lý giải nguyên nhân chậm triển khai, đại diện UBND huyện Khánh Sơn cho biết, diện tích rừng tự nhiên của huyện hiện nay rất ít, không đủ để giao khoán theo Nghị định 75. Đối với diện tích rừng, đất rừng chưa giao được bóc tách từ Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, ngoài diện tích đã giao cho các hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất, phần còn lại hơn 1.450ha huyện đang triển khai hướng dẫn cho các xã rà soát để lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75. Về hỗ trợ trồng rừng sản xuất thì đã triển khai theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, các địa phương, đơn vị như: Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Ranh, Ban quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh cho biết, không có đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nghị định này.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh) trồng rừng

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh) trồng rừng

Được biết, trước khi Nghị định 75 có hiệu lực, các chính sách hỗ trợ trong giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất đã được tỉnh triển khai và mang lại những kết quả tích cực. Theo đó, 5 ban quản lý rừng phòng hộ đã giao khoán hơn 6.200ha rừng ở các khu vực trọng điểm, dễ bị tác động cho các đơn vị lực lượng vũ trang; 8.000ha rừng ở các địa bàn xung yếu, ở các đảo cũng đã được giao khoán cho lực lượng biên phòng bảo vệ. Ngoài ra, các công ty lâm sản trên địa bàn còn hợp đồng giao khoán bảo vệ hàng ngàn héc-ta rừng ở các địa bàn trọng điểm. Các chính sách khuyến khích phát triển rừng sản xuất theo Quyết định 147, Quyết định 38 được triển khai kịp thời, nhờ đó diện tích rừng sản xuất ở các địa phương không ngừng tăng lên, toàn tỉnh hiện có 83.800ha rừng sản xuất.

Theo ông Nguyễn Sỹ Ngọc – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm, ngoài một số địa phương không có đối tượng được hỗ trợ, các đơn vị chủ rừng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện việc giao khoán, bảo vệ rừng theo Nghị định 75. Bởi việc giao khoán, bảo vệ rừng của các đơn vị được triển khai theo kế hoạch hàng năm, dựa trên các dự án lâm sinh, kinh phí giao khoán được phân bổ từ đầu năm. Trong khi đó, với diện tích rừng tự nhiên còn lại chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã quản lý mới thực hiện đến bước rà soát để lập hồ sơ giao khoán, bảo vệ rừng. Về hỗ trợ trồng rừng sản xuất, hiện nay, các địa phương như: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Diên Khánh, Cam Ranh đã phê duyệt các dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định 38 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ (với mức hỗ trợ tương tự Nghị định 75) nên chưa triển khai thực hiện theo Nghị định 75.

Việc Nghị định 75 triển khai chậm đã khiến người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thể tiếp cận được chính sách. Vì thế, chính quyền địa phương, cơ sở cần tích cực hơn nữa trong việc rà soát, lập hồ sơ các hộ tham gia bảo vệ và phát triển rừng để người dân được hưởng lợi từ chính sách này.

BÍCH LA


Ông Lê Xuân Thân – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa: Theo Nghị định 75, đối tượng được hưởng chính sách ngoài các hộ đồng bào DTTS còn có người Kinh nghèo sống ở các xã khu vực II, khu vực III. Việc triển khai sớm Nghị định 75 sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng, giúp giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là đối với các hộ đồng bào DTTS.

____________________________________________

Nghị định 75 quy định kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm; các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung, ngoài được hưởng kinh phí khoán bảo vệ rừng 400.000 đồng/năm còn được hỗ trợ trồng rừng bổ sung tối đa 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu tiên và 600.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo. Nghị định này còn quy định kinh phí hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo mức 5 – 10 triệu đồng/ha; các hộ nghèo tham gia trồng rừng thay thế nương rẫy còn được hỗ trợ 15kg gạo/khẩu/tháng, tối đa không quá 7 năm…


Theo: Báo Khánh Hòa