Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết 42 ban hành chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc trung ương, là trung tâm của Nam Trung Bộ – Tây Nguyên vào năm 2030 và trở thành đô thị thông minh, bền vững, bản sắc ngang tầm các thành phố lớn châu Á vào năm 2050.

Mục tiêu GRDP đạt 189 triệu đồng/người

Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 4 mục tiêu, yêu cầu. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,1%/năm; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 354.000 tỉ đồng. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người ở Khánh Hòa đạt 104 triệu đồng/người. Giai đoạn 2026 – 2030, Khánh Hòa tăng trưởng GRDP đạt 8,8%/năm, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 664.000 tỉ đồng; đến năm 2050, thu nhập bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng.

Để đáp ứng được các mục tiêu này, Chính phủ đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt là nhiệm vụ về xây dựng, thực hiện tốt công tác quy hoạch, gồm 7 quy hoạch: Quy hoạch xây dựng tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khu Kinh tế Vân Phong; quy hoạch chung TP Nha Trang; quy hoạch đô thị mới Cam Lâm; đề án thí điểm cơ chế chính sách đặc thù; đề án Khánh Hòa trực thuộc trung ương; quy hoạch khu du lịch quốc gia Bắc bán đảo Cam Ranh. Về phát triển kinh tế, Chính phủ đưa ra 9 nhiệm vụ giải pháp để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, tuần hoàn.

Theo chương trình hành động của Chính phủ, sẽ xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm của Nam Trung Bộ – Tây Nguyên

Bên cạnh đó, chương trình hành động của Chính phủ cũng chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế – xã hội, đặc biệt là giao thông; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực dựa vào đẩy mạnh cải cách hành chính và môi trường đầu tư; phát triển nguồn lực con người và khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội, dân tộc, tôn giáo; tăng cường hợp tác liên kết vùng; quản lý sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; gắn phát triển kinh tế – xã hội với củng cố an ninh – quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia.

Bốn mũi nhọn kinh tế

Từ Nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, mới đây, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, đã ký ban hành chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh này. Trong đó, xác định 4 mũi nhọn để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Cụ thể, về công nghiệp, sẽ ưu tiên phát triển theo chiều sâu; mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh như: đóng tàu, chế biến thủy sản, chế biến các sản phẩm từ yến sào, cơ khí… Nghiên cứu xây dựng, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; nâng cao hiệu quả, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Khu Kinh tế Vân Phong, khu công nghiệp Ninh Thủy, Dốc Đá Trắng, Vạn Thắng, Nam Cam Ranh… Phấn đấu tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lên 70%.

Về phát triển ngành nông nghiệp, sẽ chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với chế biến; phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo quy mô trang trại, vùng trọng điểm, vùng chuyên canh; quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi từ nuôi lồng bè truyền thống sang nuôi công nghệ cao và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ; chính sách hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Về phát triển dịch vụ, du lịch, sẽ chú trọng phát triển dịch vụ logistics, hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao… Phấn đấu đến năm 2025, lượng du khách đạt 11 triệu lượt/năm và 15,4 triệu lượt vào năm 2030.

Về phát triển kinh tế biển, sẽ đầu tư phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, đưa Khu Kinh tế Vân Phong trở thành động lực của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

TS Trần Quang Mẫn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nhân lực là điều then chốt để đáp ứng các mục tiêu này. Việc phát triển nguồn nhân lực thực hiện từ các cấp phổ thông, dạy nghề, đại học và sau đại học, giáo dục cộng đồng… Do đó, tỉnh cần xây dựng chính sách thu hút nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. 

Củng cố chính quyền, hoàn thiện quy hoạch

Ông Phạm Văn Chi – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa – cho rằng cần củng cố bộ máy chính quyền, giao kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương để thực hiện mục tiêu đề ra.

Còn ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cho biết một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, làm cơ sở, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, phân khu đô thị trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH







Bài và ảnh: KỲ NAM