UBND tỉnh vừa chỉ đạo các ngành chức năng tập trung đánh giá việc chi trả trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện. Trên cơ sở đó, tham mưu có nên áp dụng chi trả chế độ hàng tháng cho người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh.
Chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội qua bưu điện
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2016, Khánh Hòa triển khai thí điểm việc chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện tại một số địa phương. Theo báo cáo của Bưu điện tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 116 điểm chi trả trợ cấp xã hội với 176 nhân viên thực hiện. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, bưu điện đã chi trả hơn 108 tỷ đồng cho 248.389 đối tượng bảo trợ xã hội, đạt 99,05%. Tất cả các điểm chi trả đều thực hiện theo đúng quy định, không có trường hợp làm sai. Định kỳ, Bưu điện tỉnh kiểm tra việc chi trả tại các điểm. Công tác vận chuyển, bảo quản và lưu giữ tiền chi trả đảm bảo an toàn.
Bà Vũ Thị Kim Trinh – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Vạn Ninh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác này vẫn còn tồn tại một số vướng mắc. Đó là, nhân viên bưu điện chưa am hiểu về đối tượng, quy định, chính sách nên chưa giải thích được cho đối tượng khi họ thắc mắc. Một số điểm còn thay đổi nhân viên chi trả nên không thể nhận diện được đó có phải là đối tượng thường xuyên nhận trợ cấp không. Do đó, cần tập huấn nghiệp vụ, kiến thức, chính sách và cố định nhân viên chi trả. Còn bà Đinh Thị Nam – Phó Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP. Nha Trang chia sẻ, vẫn còn tình trạng nhân viên bưu điện đến muộn, về sớm, thái độ phục vụ chưa tốt khiến các đối tượng đến nhận chế độ phải chờ đợi, bức xúc gây phàn nàn.
Theo ông Võ Bình Tân – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Bưu điện nên lập đường dây nóng để đối tượng phản ánh và được giải đáp thắc mắc về chính sách; tăng cường tập huấn chính sách cho nhân viên chi trả.
Có nên áp dụng với người có công?
Tại cuộc họp bàn giữa lãnh đạo LĐ-TB-XH, Bưu điện tỉnh và đại diện các địa phương, đa số lãnh đạo phòng LĐ-TB-XH của 8 huyện, thị xã, thành phố đều cho rằng, chủ trương là đúng nhưng việc áp dụng chi trả chế độ cho người có công qua bưu điện cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và phải chờ thời gian thích hợp mới áp dụng.
Bà Vũ Thị Kim Trinh chia sẻ, lâu nay, việc chi trả chế độ cho người có công là do cán bộ LĐ-TB-XH thực hiện. Thông qua đó, cán bộ LĐ-TB-XH mới có điều kiện để nắm bắt về tình hình sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng của người có công và hiểu rõ hơn về đối tượng. Trong khi đó, chế độ cho người có công lại chia ra rất nhiều loại, dạng, mức, tỷ lệ, đó là chưa kể chính sách thường xuyên thay đổi. Nếu chuyển nhiệm vụ chi trả cho nhân viên bưu điện thì Nhà nước phải tăng thêm từ 3 đến 4 lần chi phí cho dịch vụ chi trả so với cán bộ LĐ-TB-XH làm. Đồng thời, lĩnh vực người có công rất nhạy cảm, chỉ cần chi sai, chi không đủ, đúng, không nắm bắt chính sách thì rất dễ xảy ra đơn thư, khiếu nại.
Theo bà Phạm Thị Thu Vân – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở LĐ-TB-XH, UBND tỉnh chưa yêu cầu bắt buộc phải chuyển qua bưu điện chi trả mà chỉ yêu cầu các ngành, địa phương họp bàn để tham mưu, đề xuất hướng thực hiện. Do vậy, cần chậm lại việc triển khai qua bưu điện và nên chọn hướng có lợi, phù hợp đối với người có công.
Ông Lê Việt Cường – Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, với những tồn tại trong việc chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội, thời gian tới, đơn vị sẽ khắc phục ngay nhằm đảm bảo các yêu cầu. Còn việc chi trả chế độ cho người có công thì các ngành, địa phương cần tạo điều kiện cho bưu điện triển khai từ nay đến cuối năm 2018.
Trong khi đó, ông Võ Bình Tân lại cho rằng, việc chuyển chi trả chế độ cho người có công sang bưu điện chưa thể áp dụng trong năm 2018, nên để quý I hoặc quý II/2019 triển khai thí điểm tại một số địa phương để thăm dò ý kiến của người có công và UBND cấp xã. Sau đó, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định.
VĂN GIANG
Theo: Báo Khánh Hòa