Ngày 20 và 21-8, tại Tiểu khu 154 – Khánh Thượng thuộc lâm phận của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (viết tắt là Công ty Lâm sản Khánh Hòa) xảy ra cháy, khiến hàng chục hec-ta rừng trồng phòng hộ bị thiêu rụi. Hiện đơn vị chủ rừng đang xác định thiệt hại; đồng thời mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Khoảng 30ha rừng bị thiêu rụi
Sáng sớm 22-8, tại thượng nguồn Đa Rao, chúng tôi chứng kiến nhiều triền núi đã bị thiêu rụi. Một vài góc núi vẫn còn nghi ngút khói. Chốc chốc phát hiện có lửa bùng lên, lực lượng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa lại chạy đi dập lửa. Những cây sao cao hơn 1,5m, cây dầu cao hơn 2m, được trồng cuối năm 2014 đã bị cháy hoàn toàn, không còn khả năng phục hồi. Nhiều cây rừng cao hơn 10m, đường kính khoảng 30cm cũng bị cháy đen. Giữa tro tàn, một vài gốc cây mục vẫn cháy âm ỉ.
Ông Trần Xuân Hải – Đội phó Đội quản lý – Bảo vệ rừng Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Khoảng 15 giờ ngày 20-8, ông Cao A Sỹ – nhân viên hợp đồng của công ty đang tuần tra rừng ở thượng nguồn Đa Rao thì phát hiện cháy lớn, ngọn lửa lan nhanh. Nhận được tin báo, đội đã điều động tất cả lực lượng quản lý, bảo vệ rừng ở các trạm cánh Tây huyện Khánh Vĩnh cùng với lực lượng của Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh tập trung vào Đa Rao để chữa cháy. Chúng tôi đã băng rừng, cắt ranh cản lửa để hạn chế cháy lan trên diện rộng. Đến ngày 21-8, dưới nắng gắt, gió nam thổi mạnh, đám cháy bùng phát dữ dội, công ty đã huy động thêm hơn 100 người gồm công an, dân quân và người dân 5 xã cánh Tây huyện Khánh Vĩnh lên chống cháy. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, nhờ trời đổ mưa nên ngọn lửa mới tắt hẳn. Hơn 1 tháng nay, trên địa bàn Khánh Thượng không có mưa nên lớp thực bì đã khô rang, bắt lửa nhanh, vì vậy diện tích cháy lan rất nhanh. Nhờ cắt ranh kịp thời nên ngọn lửa không lan đến những diện tích rừng trồng phòng hộ năm 2013, 2015 gần đó”.
Ông Phạm Ngọc Quế – Đội trưởng Đội Lâm sinh Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Diện tích rừng bị cháy này được trồng, chăm sóc trong giai đoạn 2014-2019 theo dự án đã được tỉnh phê duyệt, với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng, Trong số 50ha rừng sao phòng hộ được trồng theo dự án này, vụ cháy đã thiêu rụi trên dưới 30ha. Không chỉ vậy, ngọn lửa còn khiến cho khoảng 15ha đất rừng phòng hộ, với cỏ tranh, lau lách cũng bị cháy rụi. Chúng tôi đã dành nhiều công sức để trồng, chăm sóc diện tích rừng này, nay bị cháy, toàn bộ công sức coi như đổ sông, đổ biển”.
Do lâm tặc đốt?
Ông Nguyễn Văn Tân – Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho hay: “Hiện, chúng tôi phối hợp với Trạm Kiểm lâm Sơn Thái tiến hành kiểm tra hiện trường, xác định cụ thể diện tích thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, sẽ có công văn đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, xác minh nguyên nhân vụ cháy, nếu do người cố tình đốt thì phải xử lý nghiêm”. Theo phân tích của ông Tân, khu vực rừng trồng phòng hộ ở thượng nguồn Đa Rao cách xa khu dân cư gần nhất của xã Khánh Thượng hơn 10km, xung quanh hoàn toàn không có bất cứ nương rẫy nào của người dân nên loại trừ khả năng cháy lan do đốt rẫy. Nguyên nhân đốt ong gây cháy lan cũng được loại trừ do hiện nay không phải mùa lấy mật ong. “Chúng tôi nghi ngờ lâm tặc cố tình đốt để trả thù lực lượng của công ty và lực lượng Kiểm lâm do liên tục bị bắt gỗ khai thác trái phép”, ông Tân nói.
Để minh chứng cho điều mình nói, lãnh đạo Công ty Lâm sản Khánh Hòa dẫn chúng tôi đến 2 điểm được cho là có người cố tình đốt nhưng không cháy. Cụ thể, ở ven đường, chúng tôi quan sát được có những đám cháy nhỏ, diện tích chỉ 2-3m2 bị cháy dở, xung quanh cỏ tranh, lau lách vẫn còn tốt tươi. Cũng theo lãnh đạo công ty, vào tối 17-8, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của công ty đóng chốt tại khu vực Thác Hòm (xã Khánh Thượng) đã chặn bắt một số đối tượng khai thác vận chuyển gỗ trái phép từ thượng nguồn Đa Rao về. Trong quá trình bắt giữ có một nhóm đối tượng hung hăng đe dọa tính mạng của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; đồng thời hăm dọa công ty sẽ phải lãnh hậu quả nặng nề đối với diện tích rừng đang được giao quản lý, nhất là rừng trồng. “Năm 2014, khi chúng tôi bắt gỗ lậu cũng có đối tượng hăm dọa tương tự, mới dọa hôm trước thì hôm sau đã bị cháy, đốt đến 3 lần”, ông Tân cho biết.
BÍCH LA
Theo: Báo Khánh Hòa