Thời tiết lạnh đến “cắt da cắt thịt” được coi là một thứ “đặc sản” riêng của vùng núi cao miền Bắc, điển hình là tại Lào Cai khi mùa đông về. Không cần phải sang tận các nước có khí hậu ôn đới xa xôi, du khách ưa trải nghiệm có thể “khăn gói” chuẩn bị cho hành trình du lịch ngược miền Bắc vào những ngày thời tiết chuyển sang đông để có những cảm nhận thú vị cho riêng mình.
Niềm vui của du khách khi chiêm ngưỡng cảnh tuyết rơi trong mùa đông 2015 ở Sa Pa.
Tôi quen một cô gái sống tại Thành phố Hồ Chí Minh tên là Hà Hoàng Anh, mọi người thường thân mật gọi là Nấm. Nấm và nhóm bạn của cô có chung sở thích là khám phá, ghi dấu chân lên những vùng đất mới. Tháng 9 vừa qua, cô gái gầy nhỏng trên chiếc xe Wave màu đỏ lỉnh kỉnh đồ đạc tự mình khám phá Tây Bắc mùa lúa chín rồi từ Điện Biên tiếp tục xuất cảnh sang Lào. Cô một mình sử dụng ứng dụng Google Maps (bản đồ trực tuyến trên điện thoại di động) đi dọc nước Lào, rồi nhập cảnh trở về tại Nghệ An. Sau khi về đến Sài Gòn, Nấm gọi điện thoại cho tôi nhờ mua rượu và hỏi vài thông tin để chuẩn bị kế hoạch lên Lào Cai cùng nhóm của mình vào mùa đông này.
Nhóm “phượt” của Nấm có 6 người, gồm 4 nam và 2 nữ thường lựa chọn đi du lịch bằng xe máy. Cô cùng các bạn cũng đã từng thực hiện chuyến du lịch xuyên Việt bằng xe máy, rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc trong vài tháng. Nấm nói chuyến đi vừa rồi coi như “thị sát” bởi nghe phong thanh rằng, năm nay sẽ có lạnh kỷ lục, cô và nhóm “phượt” thân quen lại lên kế hoạch “nằm vùng” tại Lào Cai khoảng một tháng để chờ tuyết rơi. Tôi hỏi Nấm: “Nếu tuyết không rơi thì sao, Sa Pa đâu phải năm nào cũng có tuyết, vả lại biết bao giờ rơi mà chờ?”. “Tuyết không rơi thì đâu có uổng. Chẳng phải cái lạnh cũng là đặc sản rồi sao?’. Nấm vừa nói vừa cười phá lên qua điện thoại, tự tin về kế hoạch để xuất phát vào đầu tháng 12.
Đi dạo dưới sương lạnh là sở thích của nhiều du khách. Ảnh: Ngọc Bằng
Đối với những người trẻ tuổi, du lịch vào mùa lạnh quả thực là thứ “đặc sản”. Ví dụ như Nấm, khi chuẩn bị cho chuyến đi vào mùa đông này, cô mường tượng một thị trấn nhỏ với tuyết rơi phủ trắng trên những căn biệt thự cũ kỹ, con người sẽ co ro trong những chiếc áo to sụ, với khăn, mũ kín đầu và lặng lẽ hơn. Và giả sử, nếu “kém may mắn” vì không được gặp tuyết rơi thì việc lang thang khắp những cung đường, dựng lều ngủ trên những nền ruộng bậc thang còn vương mùi rơm, rạ mục, đến tối đốt lửa nướng thịt, uống rượu rồi mang đàn ghi – ta ra chơi cũng là cái thú không gì bằng. “Trời lạnh, sương giăng trắng xóa, gió lạnh thốc vào người, co ro nắm lấy tay nhau mà hát, những đôi môi nứt nẻ vẫn cười giòn tan, đâu phải tuổi trẻ nào cũng can đảm trải qua. Sài Gòn vội quá, đâu có những trải nghiệm thú vị ấy”, Nấm chia sẻ với nhóm phượt trên facebook về chuyến đi sắp tới.
Không ít khách du lịch đến Lào Cai bởi vì thích… lạnh, điển hình là tại Sa Pa, nơi có độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển, khí hậu á ôn đới. Có người thích ngồi trong phòng kín bên lò sưởi, nghe tiếng gió thốc bên ngoài, nhìn ngắm từng đám sương chùng chình phủ mờ cả thị trấn nhỏ. Những năm Lào Cai có tuyết, thị trấn Sa Pa (Sa Pa) hay rừng già Y Tý (Bát Xát) thường đón lượng du khách lớn đến tham quan, ngắm tuyết rơi, trải nghiệm hiện tượng thiên nhiên kỳ thú hiếm gặp.
Những ngày đầu mùa đông năm 2017, nhiệt độ tại Sa Pa xuống thấp đến 8 độ C, quán lẩu hoặc đồ nướng trở nên đắt khách. Trong một quán nướng nhỏ ven đường, cạnh bờ hồ trung tâm thị trấn, chúng tôi được nghe câu chuyện chẳng biết thật hay đùa. Du khách tên Nguyễn Anh Tuyên, người Thanh Hóa kể cho chúng tôi nghe chuyện của chính mình. Mùa đông năm 2013, Sa Pa có tuyết rơi dày đặc, anh Tuyên và người yêu – khi ấy đang là sinh viên lên Sa Pa để ngắm tuyết rơi. Chẳng nhớ hai người giận nhau điều gì, lời qua tiếng lại nên anh vùng vằng bỏ đi.
“Bước ra ngoài đường mới nhận ra mình… dại, bởi Sa Pa khi ấy hết phòng nghỉ. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt, thấy ngoài phố người ta mặc áo lông, nắm tay nhau đi bên nhà thờ đá mà tự nhiên tủi và cô đơn. Nghĩ bạn gái ở lại một mình chắc đang khóc, một phần do… lạnh quá nên đành quay lại xin lỗi”. Anh Tuyên cười rồi nói đùa: “Đấy, cái lạnh khiến người ta cô đơn và thấy cần nhau hơn. Mùa lạnh nào hai vợ chồng tôi cũng lên đây… chỉ để đỡ chán nhau. Có những người thích mùa đông vì những lý do buồn cười như vậy”.
Thời tiết đang vào đông. Những người trẻ ưa khám phá đều đã lên kế hoạch của riêng mình để chờ đón những đợt lạnh giá. Lựa chọn đi du lịch vào mùa lạnh, mỗi người đều có lý do riêng. Có những du khách quanh năm sống ở nơi có thời tiết ấm áp như miền Trung, miền Nam thì lựa chọn đến Sa Pa để cảm nhận cái rét đặc trưng của mùa đông miền Bắc. Có những người trẻ đi du lịch vào mùa đông để chờ ngắm tuyết rơi như nước Nhật, nước Hàn với những khung cảnh lãng mạn chỉ có trong phim ảnh. Trong lạnh giá, từ vô thức, con người đều trở nên lặng lẽ, sống chậm lại và xích gần nhau hơn.
Thúy Phượng / baolaocai.vn