Những tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm thấp mà vẫn không có đầu ra, khiến người chăn nuôi tạm dừng tăng đàn, tái đàn, thậm chí nhiều hộ phải nghỉ hẳn.
Giảm đàn, nghỉ nuôi vì giá thức ăn tăng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do đó, nhiều trang trại chăn nuôi gà, heo quy mô lớn trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoặc giãn kế hoạch tái đàn. Ông Đỗ Minh Hiến (thôn Hòa Do 7, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) cho biết, trước đây, trại gà của gia đình ông nuôi khoảng 15.000 con gà thịt, nhưng từ cuối năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản phẩm bán ra rất chậm, thậm chí không bán được, trong khi giá thức ăn ngày càng tăng khiến chi phí sản xuất đội lên rất cao. Từ đó, ông chỉ bán cho hết sản phẩm chứ không còn tái đàn. Hiện nay, gia đình ông chỉ nuôi duy trì 2.000 con gà thịt. Theo tính toán của ông Hiến, trước đây, trung bình 1.000 con gà chi phí thức ăn hết khoảng 700.000 đồng/ngày, hiện nay tăng lên 900.000 đồng/ngày. Ông vừa nhận được thông báo của đại lý cung cấp thức ăn, sắp tới giá thức ăn tiếp tục tăng khoảng 10.000 đồng/bao, trong khi đó, gà bán không có người mua. Lúc trước, ông bán 7.000 – 10.000 con/tháng, hiện nay chỉ bán được trên dưới 1.000 con/tháng.
Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24 ngày 14-4-2021 quy định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí trong chăn nuôi. Theo đó, từ ngày 17-5 đến 31-12, áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại biểu thu phí trong chăn nuôi. Cụ thể, giảm 50% mức phí như: Phí thẩm định cấp giấy phép, giấy chứng nhận vật tư nông nghiệp; thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp; thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, miễn thu phí đối với cá nhân thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng; tổ chức, cá nhân ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các nội dung thu phí quy định tại biểu mức thu phí trong chăn nuôi ban hành kèm theo thông tư này. |
Gia đình ông Võ Đông Anh (thôn Cẩm Sơn, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) nuôi 2.400 con gà đẻ, hiện nay, giá thức ăn quá cao, trong khi giá trứng thấp (1.600 đồng/quả), khó bán nên ông bán dần đàn gà đẻ. Thế nhưng, việc bán gà để giảm bớt đàn cũng không đơn giản, vì không có người mua sỉ. Ông Anh cho biết: “Hiện nay, mỗi bao thức ăn cho gà loại 25kg tăng 60.000 – 70.000 đồng/bao và còn tiếp tục tăng trong thời gian đến. Từ tháng 12-2020 đến nay, hầu hết người nuôi gà không có lãi, thậm chí lỗ. Vì vậy, nhiều trại gà ở Diên Khánh khi bán hết gà đã tháo dỡ trại, nghỉ nuôi. 80 – 90% hộ nuôi nhỏ lẻ trong dân cũng đã nghỉ. Sở dĩ gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì đàn gà là do tận dụng nguồn thức ăn khác rẻ hơn để thay thế những loại thức ăn tăng giá cao nhằm hạn chế chi phí. Cụ thể, thay đậu nành thành bánh đậu phộng; xác dừa, cám gạo thay một phần thức ăn bắp…”.
Nhiều hộ nuôi vịt, cá, chim cút, heo trên địa bàn tỉnh cũng đang có ý định nghỉ nuôi hoặc giảm đàn. Theo một hộ chăn nuôi heo ở xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm), từ sau Tết, gia đình bà mở rộng quy mô chuồng nuôi lên 500 – 800 con/lứa, tuy nhiên giá cám tăng liên tục nên từ đó đến nay bà vẫn chưa nuôi thêm. Mỗi bao cám hỗn hợp cho heo thịt, trọng lượng 25kg có giá 250.000 đồng/bao, hiện nay đã tăng lên 315.000 đồng/bao. Với giá thức ăn hiện nay, chi phí sẽ đội lên hơn 1 triệu đồng/tạ, cộng với các khoản giống, thuốc thú y, trong khi giá heo hơi đang có chiều hướng giảm (hiện nay, giá bán khoảng 60.000 – 65.000 đồng/kg) nên người nuôi không còn lãi hoặc lãi rất ít.
Vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu
Khảo sát tại các cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn TP. Nha Trang, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 7 lần. Giá các loại thuốc thú y cũng tăng khá cao, khoảng 20 – 25%. Chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi Kim Toản (đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang) cho biết: “Hơn 20 năm trong nghề bán thức ăn chăn nuôi, lần đầu tiên tôi chứng kiến giá thức ăn chăn nuôi tăng khủng như hiện nay. Giá tăng cao nên lượng khách hàng giảm khoảng 60 – 70%, vì vậy tôi chỉ nhập hàng cầm chừng”.
Theo chủ các đại lý, cửa hàng, nguyên nhân khiến thức ăn chăn nuôi tăng cao do Việt Nam vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Hiện nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như bột bắp và đậu nành trên thế giới tăng do thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng để vận chuyển hàng hóa cũng làm giá nguyên liệu về đến Việt Nam tăng lên.
KHÁNH HÀ
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202105/chan-nuoi-gap-kho-vi-gia-thuc-an-tang-8216988/