Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép

Nạn khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhất là dọc theo sông Cái Nha Trang gây bức xúc dư luận trong thời gian dài. Những tồn tại, vướng mắc, trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến vấn đề trên đã được đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo và các ủy viên UBND tỉnh thảo luận tại phiên họp này. 
Khai thác cát trái phép trên sông Cái Nha Trang, đoạn qua huyện Diên Khánh.
Nhiều tồn tại
Thời gian gần đây, tình hình khai thác khoáng sản trên sông diễn ra phức tạp, công khai, đặc biệt là trên sông Cái, đoạn từ Khánh Vĩnh, qua Diên Khánh đến TP. Nha Trang, đây là điểm nóng về hoạt động khai thác cát trái phép. Các đối tượng chủ yếu sử dụng ghe máy tự chế (công suất 3 – 6m3) để hút cát, thậm chí sử dụng máy múc, ngang nhiên khai thác cát trái phép. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Diên Khánh, theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 100 ghe hút cát hoạt động trái phép; toàn huyện có 44 điểm khai thác cát thì có 6 điểm được cấp phép nhưng đã hết phép từ tháng 8-2017 và 38 điểm khai thác cát không có giấy phép. Tình trạng khai thác cát trái phép còn trở thành điểm nóng tại một số địa phương thuộc huyện Khánh Vĩnh và TP. Nha Trang.  
Ông Nguyễn Quốc Thịnh – Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho hay, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái Nha Trang đã kéo dài nhiều năm và có phạm vi rất rộng. Mặc dù các cấp chính quyền đã tiến hành một số giải pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng này không những không chấm dứt mà còn diễn biến phức tạp; các hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển cát trái phép diễn ra công khai. Nạn khai thác cát trái phép là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong cử tri; để lại tác động rất xấu về an ninh – trật tự; Nhà nước thì mất đi nguồn tài nguyên khoáng sản. 
Trong khi đó, ông Lương Hùng Minh – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh thông tin: “Một số trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Cái Nha Trang đoạn qua địa bàn huyện Diên Khánh, khi người dân phát hiện, ngăn cản thì bị các đối tượng đe dọa, thậm chí hành hung gây thương tích. Người dân đã trình báo với chính quyền, cơ quan công an đã vào cuộc nhưng sau đó sự việc lại chìm vào quên lãng. Vấn đề này liệu có đúng như phản ánh của người dân, nếu đúng tại sao không khởi tố?”.
Liên quan đến hoạt động tập kết cát sỏi, ông Nguyễn Phi Vũ – Phó Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh phản ánh: “Hiện nay có rất nhiều bến thủy nội địa hoạt động trái phép để tập kết cát, sỏi ở nhiều con sông trên địa bàn tỉnh, nhất là trên sông Cái Nha Trang. Vấn đề cần đặt ra là trách nhiệm quản lý bến thủy nội địa này như thế nào khi để các bến này vẫn tồn tại trái phép lâu nay?”. 
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn trong xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Cụ thể như, các đối tượng lợi dụng quy định của pháp luật, chỉ khai thác khoáng sản có khối lượng ít hơn 50m3 để tránh trường hợp khi bị phát hiện thì không bị tịch thu phương tiện. Các đối tượng khai thác cát trái phép cho người cảnh giới theo dõi lực lượng chức năng để lén lút hoạt động, nhất là vào ngày nghỉ, dịp lễ, ban đêm. Phương tiện hoạt động chủ yếu là ghe loại nhỏ, khi lực lượng chức năng kiểm tra, truy quét thì họ sẵn sàng đánh đắm ghe, nhảy xuống sông bỏ trốn. Trong khi đó, đường ra bãi cát tương đối xa, mất nhiều thời gian nên các đối tượng có thời gian để chủ động đối phó với cơ quan chức năng. Những bãi khai thác cát trái phép chủ yếu là bãi bồi bên sông thuộc quản lý của UBND cấp xã, nhưng chính quyền địa phương chưa quản lý tốt, bị một số cá nhân chiếm dụng làm bãi khai thác…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ý kiến đại diện các sở, ngành của tỉnh cho rằng, trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước đối với khoáng sản đã được Tỉnh ủy nêu rõ trong Chỉ thị 10 năm 2017; UBND tỉnh cũng đã có quy định, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương. Chẳng hạn, trong phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã, hình thức xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Vì vậy, cần phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc bảo vệ khoáng sản, ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển cát trái phép. 
– Khai thác cát trái phép trên sông Cái Ninh Hòa, đoạn qua xã Ninh Xuân (ảnh chụp ngày 14-3).
Liên quan đến việc điều tra, xử lý tình trạng “cát tặc” tấn công người dân, Đại tá Nguyễn Khắc Cường – Giám đốc Công an tỉnh cho hay, từ năm 2017 đến nay, Công an tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào người dân phát hiện, ngăn cản khai thác cát trái phép, bị “cát tặc” hành hung, gây thương tích. Công an tỉnh đề nghị người dân nếu phát hiện trường hợp tương tự thì phản ánh ngay đến cơ quan công an các cấp để tiến hành điều tra, xử lý. Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, từ năm 2017 đến nay, Công an tỉnh đã trực tiếp kiểm tra, phát hiện, xử phạt 295 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, với tổng số tiền phạt 700 triệu đồng. Trong năm 2017, Công an tỉnh đã lập chuyên án đấu tranh các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, đã khởi tố 4 đối tượng về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”. Theo lãnh đạo Công an tỉnh, trách nhiệm chính trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác trái phép khoáng sản thuộc về UBND các cấp. Lực lượng công an tham gia với vai trò phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, công an sẽ tổ chức các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Liên quan đến vụ việc 2 phóng viên Báo Khánh Hòa bị nhiều đối tượng côn đồ bắt giữ trái pháp luật, đánh đập và cướp tài sản trong quá trình tác nghiệp phản ánh tình trạng khai thác quặng trái phép trên địa bàn xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh ngày 11-3, ông Lương Hùng Minh – Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Công an tỉnh thông tin về kết quả điều tra, xử lý vụ việc. Trả lời vấn đề này, Đại tá Nguyễn Khắc Cường – Giám đốc Công an tỉnh cho biết, đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh, Công an huyện Khánh Vĩnh tập trung điều tra vụ việc. Tới đây, khi có kết luận điều tra Công an tỉnh sẽ thông báo, trả lời vụ việc này cho đại biểu.
Ông Nguyễn Công Định – Giám đốc Sở Giao thông vận tải chia sẻ: “Hiện nay, sở được UBND tỉnh giao trách nhiệm làm trưởng đoàn kiểm tra khai thác khoáng sản. Có thể nói, hiện nay, công tác quản lý về khai thác khoáng sản tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn như có doanh nghiệp được cấp phép khai thác, đã giải thể nhưng bán quyền khai thác cho đơn vị khác. Tới đây chúng tôi sẽ có báo cáo UBND tỉnh về vấn đề này. Qua kiểm tra, các đơn vị khai thác không thỏa thuận đấu nối giao thông; xe máy thiết bị không đăng ký chuyên dùng. Với trách nhiệm của mình, Sở Giao thông vận tải sẽ tập trung xử lý các đơn vị khai thác mà không đăng ký xe máy chuyên dùng; xử lý việc đấu nối giao thông. Còn các trường hợp tập kết, khai thác trái phép, ngành Giao thông vận tải không có thẩm quyền xử lý”. 
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn bất cập, để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là tình trạng khai thác cát trái phép, đào núi lấy đất san lấp nhưng chưa được cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm túc, gây bức xúc trong cử tri. Phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản cát, sỏi, đất đá làm vật liệu xây dựng. Qua đó chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tồn tại suốt trong thời gian qua”. 

Theo: Báo Khánh Hòa