Năm 2019, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của ngành vẫn còn gặp một số khó khăn.
Triển khai nhiều kỹ thuật mới
Giữa tháng 6-2019, Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh phối hợp với BV Răng hàm mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công một ca u răng, lấy ra gần 100 cái răng trong khối u cho bệnh nhi Hoàng Gia Kh. (13 tuổi, TP. Nha Trang). Đây là trường hợp u răng đầu tiên BV gặp phải và đã điều trị thành công, đồng thời là số ít ca được ghi nhận trong cả nước. Tháng 8-2019, Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu, BVĐK tỉnh đã phẫu thuật cắt nối đoạn hẹp khí quản cổ thành công cho bệnh nhân Mai Duy C. (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) bị di chứng sẹo gây hẹp khí quản do tai nạn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không những tự thở được qua đường mũi, mà còn phục hồi lại được tiếng nói sau 15 năm. Khoa Phụ sản đã triển khai thành công phẫu thuật hở, nội soi điều trị bệnh lý ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, BV còn triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới ở chuyên ngành răng hàm mặt, tai mũi họng, phẫu thuật tim hở, tim mạch can thiệp, cột sống, thần kinh…
Bác sĩ Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2019, ngành Y tế hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu quan trọng. Theo đó, số bác sĩ/10.000 dân đạt 9,9 (vượt gần 2 bác sĩ theo quy định); tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 7,86%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 91,5%. Toàn ngành đã khám bệnh cho gần 4 triệu lượt người (tăng 0,2%); điều trị nội trú cho hơn 249.700 lượt bệnh nhân (tăng 2%); phẫu thuật hơn 28.200 lượt (tăng 6,2%)…
Bên cạnh thực hiện tốt công tác điều trị, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch và đạt được một số kết quả nhất định. Một số bệnh lây qua đường hô hấp giảm so với cùng kỳ năm trước như: thủy đậu, quai bị, viêm gan vi rút, bệnh tay chân miệng. Các bệnh mới nổi, tái nổi như: cúm A/H5H1, H7N9, MerSCoV, các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A như: tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch… không xảy ra.
Vẫn còn khó khăn
Tuy nhiên, một số bệnh dịch như: sốt xuất huyết, sởi vẫn chưa được khống chế, tăng cao so với cùng kỳ. Theo đó, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận hơn 11.540 ca mắc, tăng 63,3%, 2 ca tử vong; bệnh sởi ghi nhận 942 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng gấp 15,7 lần so với năm có dịch sởi gần nhất (năm 2014 với 60 ca), trong đó có 550 trường hợp dương tính với bệnh sởi. Trừ huyện Khánh Sơn, các huyện, thị xã, thành phố còn lại đều ghi nhận có ổ dịch sởi.
Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2019, đại diện các cơ sở y tế cho biết, hoạt động của ngành hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc. Trước hết, hàng năm, chỉ tiêu giường bệnh tăng, công suất sử dụng giường bệnh đều ở mức cao, tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, không tăng số người làm việc, đặc biệt là số lượng cán bộ làm công tác chuyên môn trực tiếp khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, nhân lực ở một số cơ sở còn thiếu nên việc phân công cán bộ luân phiên chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới còn khó khăn; khó tuyển dụng được bác sĩ về làm việc tại các trung tâm y tế huyện, các BV chuyên khoa. Ngoài ra, để triển khai đồng bộ hồ sơ sức khỏe điện tử cần có nguồn kinh phí lớn nhưng Bộ Y tế chưa tính chi phí quản lý phần mềm bệnh án điện tử vào giá dịch vụ y tế, trong khi chi phí dành cho hoạt động này rất cao; kinh phí mua sắm trang thiết bị trong ngành còn thấp, dẫn tới các đơn vị thiếu thiết bị để triển khai các kỹ thuật mới, chuyên sâu; vấn đề giao dự toán và quyết toán BHYT vẫn còn nhiều bất cập; ý thức phòng, chống dịch bệnh trong một bộ phận dân cư chưa cao…
Bác sĩ Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế kiến nghị: thời gian đến, UBND, HĐND tỉnh cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính được hợp đồng cán bộ làm chuyên môn phù hợp với số giường bệnh được giao; cấp kinh phí để triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân giai đoạn 2020 – 2022. Bộ Y tế nên thống nhất việc sử dụng chung phần mềm trong quản lý toàn ngành; việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác khám chữa bệnh BHYT cần có lộ trình và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, sớm sửa đổi những bất cập tại một số điều của thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT; thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong khám chữa bệnh…
C.Đan
Theo: Báo Khánh Hòa