Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên được tỉnh Khánh Hòa quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế.

Tăng cường hỗ trợ, truyền thông

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Nhằm tạo điều kiện cho vị thành niên, thanh niên được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, đến nay, ngành Y tế tỉnh đã thành lập được 3 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản và 2 điểm cung cấp dịch vụ thân thiện về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên. Mô hình câu lạc bộ đã thu hút được sự tham gia và  giúp trẻ vị thành niên, thanh niên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi những kiến thức và kỹ năng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các điểm cung cấp dịch vụ thân thiện đáp ứng được nhu cầu của vị thành niên, thanh niên trong việc tiếp nhận các dịch vụ an toàn, bí mật và tin cậy.



Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản  tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh.

Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh.



Song song đó, ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức những buổi truyền thông, sinh hoạt ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Qua đó, tư vấn cho các em về những biến đổi về tâm sinh lý khi dậy thì và các vấn đề sức khỏe của lứa tuổi. Đồng thời, truyền thông cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên là công nhân tại các khu, cụm công nghiệp nhằm hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục…; hướng dẫn công nhân, lao động đến các điểm cung cấp dịch vụ thân thiện khi có nhu cầu.


Các đơn vị còn tổ chức những buổi tọa đàm để thanh niên thảo luận về vấn đề mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai ở vị thành niên, thanh niên; các hội thi kỹ năng tư vấn cho các thành viên của 10 câu lạc bộ tiền hôn nhân trên địa bàn tỉnh… Được tham gia buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại trường, em Nguyễn Hồng Vân – Trường THPT Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Thông qua buổi truyền thông giúp em và các bạn hiểu rõ và biết cách bảo vệ mình trong những mối quan hệ tình cảm. Trước kia, chúng em tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, nay được nghe trực tiếp từ các bác sĩ nên thấy an tâm hơn rất nhiều”.

Còn những hạn chế


Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Ngọc Hiệp – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết, các kết quả nghiên cứu trong nước cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở vị thành niên Việt Nam ngày càng sớm. Tuy nhiên, kiến thức của các em về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Trên địa bàn tỉnh, tình trạng tảo hôn, mang thai sớm vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. Việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện toàn diện về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chưa đáp ứng được nhu cầu của vị thành niên, thanh niên…


Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên vẫn đang sử dụng các cách tiếp cận truyền thống. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông qua tương tác mạng xã hội, đường dây nóng… vẫn đang là thử nghiệm. Các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhà trường chưa cập nhật về nội dung, chưa có tài liệu hướng dẫn thống nhất của Bộ Y tế. Mặt khác, việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường chưa chặt chẽ. “Thiếu cán bộ được đào tạo chuyên sâu; một số cán bộ được đào tạo lại không trực tiếp tham gia lâu dài trong hoạt động này. Mặt khác, nguồn kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên còn hạn chế, kể cả nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.



Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 300 đến 400 ngàn ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được ghi nhận, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Còn theo thông tin của Tổng cục Dân số, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, song tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp phá thai.

Theo số liệu thống kê từ các đơn vị y tế trong tỉnh, tỷ lệ mang thai vị thành niên từ 3,2% (năm 2016) giảm xuống còn 2,5% (năm 2021).


C.ĐAN

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202208/cham-soc-suc-khoe-sinh-san-vi-thanh-nien-thanh-nien-8261400/