Trạm dừng nghỉ phía tây hầm đường bộ qua đèo Cả được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa được xây dựng…
Trạm dừng nghỉ này được triển khai dựa trên cơ sở hồ sơ dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 47 ngày 6-1-2012 có bố trí 2 trạm dừng nghỉ tại Km10 + 250 và Km10 + 650 nằm trên địa bàn xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh. Đến ngày 30-5-2014, Bộ GTVT điều chỉnh dự án, 2 trạm dừng nghỉ được điều chỉnh về các vị trí Km9 + 360 và Km10 + 180 (trong đó, trạm phía tây đặt tại Km10 + 180). Tuy nhiên, khi khảo sát thực tế, chủ đầu tư đã xin chủ trương dịch chuyển trạm dừng về phía hầm Cổ Mã 38m, tức là ở vị trí Km10 + 218 để tránh nghĩa trang địa phương. Sau đó, UBND tỉnh cũng có văn bản thống nhất chủ trương thỏa thuận vị trí trạm dừng nghỉ phía tây tại xã Đại Lãnh.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, thực tế bộ đã phê duyệt 2 trạm dừng nghỉ phía đông và phía tây tuyến đường chính dẫn vào hầm đèo Cả. Tuy nhiên, do việc giải phóng mặt bằng tại phía đông gặp nhiều khó khăn nên nhà đầu tư chỉ làm một trạm dừng nghỉ ở phía tây. Đồng thời, trạm dừng nghỉ phía tây cũng được thu hẹp diện tích còn 2,7ha (theo phê duyệt ban đầu là 4,1ha). “Việc chưa thể xây dựng trạm dừng nghỉ là do vướng mặt bằng. Hiện tại, địa phương chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng và chưa bàn giao mặt bằng nên nhà đầu tư chưa thể triển khai thi công”, ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả khẳng định.
Được biết, công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của địa phương và do UBND huyện Vạn Ninh triển khai thực hiện, nguồn vốn lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ đã cấp cho dự án. Với vai trò nhà đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả chỉ cung cấp các hồ sơ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và phối hợp với địa phương khi có yêu cầu.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng tại hạng mục trạm dừng nghỉ phía tây, cơ quan chức năng huyện Vạn Ninh cho biết, khi triển khai hạng mục trạm dừng nghỉ có 76 trường hợp nằm trong diện giải tỏa, trong đó có 63 hộ giải tỏa trắng, với tổng kinh phí bồi thường khoảng 14,5 tỷ đồng. Đến thời điểm này vẫn còn 29 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Ông Trần Đình Thú – Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, có nhiều trường hợp bị giải tỏa nhưng chỉ có 19 trường hợp đủ điều kiện tái định cư, số còn lại không được tái định cư với nhiều lý do như: xây dựng trên đất nông nghiệp… Một số trường hợp không chịu bàn giao mặt bằng vì cho rằng giá đền bù thấp.
Không chỉ hạng mục trạm dừng nghỉ mà đường vào trạm dừng nghỉ có chiều dài khoảng 260m cũng chưa thể bàn giao mặt bằng; tổng diện tích thu hồi hơn 1.100m2. Theo thiết kế, con đường này làm các gờ giảm tốc khi vào trạm dừng nghỉ, nằm dọc theo tuyến chính dẫn vào hầm. Để thực hiện hạng mục trên, có 22 hộ nằm trên tuyến bị ảnh hưởng một phần.
THÀNH NAM
Mới đây, báo cáo với đoàn giám sát của HĐND tỉnh về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai trên địa bàn, ông Võ Lục Phẩm – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết: Vừa qua, tổ công tác của huyện về giải phóng mặt bằng hạng mục trạm dừng nghỉ phía tây thuộc dự án hầm đường bộ qua đèo Cả đã tiến hành họp và đưa 7 trường hợp không chịu bàn giao mặt bằng vào diện cưỡng chế đợt 1. Tuy nhiên, khi chuẩn bị thực hiện thì có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng lại đưa ra những kiến nghị yêu cầu giải đáp thêm nên huyện đã tạm thời đình việc cưỡng chế. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan tuyên truyền, thuyết phục người dân hợp tác bàn giao mặt bằng.
Theo: Báo Khánh Hòa