Do tỏi rớt giá nên từ tháng 2 đến nay, hàng trăm hộ trồng tỏi ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) đang bị tồn hơn 200 tấn tỏi. Nếu không sớm tiêu thụ thì số tỏi này sẽ bị hư hỏng.
Tỏi rớt giá
Ngồi thất thần nhìn đống tỏi khô đang dần bị hư hỏng, bà Hoàng Thị Huê (thôn Xuân Tây) cho biết: “Do lâu ngày, các tép tỏi bị teo, không còn đẹp. Đã vậy, thời tiết nắng nóng càng làm cho tỏi nhanh hỏng và giảm trọng lượng. Nếu khoảng 1 tháng nữa không bán được thì số tỏi này phải bỏ. Cách đây 2 tuần, tôi buộc phải bán tháo hơn 18 tấn tỏi chỉ với giá 9.000 đồng/kg để vớt vát chút vốn”. Được biết, năm 2017, tỏi có giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá bị rớt mạnh. Vì thế, người dân không chịu bán khi mới thu hoạch mà chờ giá tăng lên. Đến nay đã hơn 7 tháng, giá tỏi vẫn chưa tăng.
Gia đình ông Lê Ngọc Ninh (thôn Xuân Tây) cũng đang tồn hơn 8 tấn tỏi khô. Ông Ninh cho biết: “Lâu nay, tỏi của địa phương chủ yếu bán cho các thương lái tỉnh Quảng Ngãi. Mấy tháng qua, gia đình tôi nhiều lần gọi điện cho các thương lái tới thu mua tỏi nhưng chỉ nhận được hứa hẹn. Nhà tôi có gần 1ha đất trồng tỏi, mỗi sào đầu tư khoảng 20 triệu đồng, nếu khoảng 1 tháng nữa không bán được tỏi thì chắc phải đổ bỏ”.
Ngoài hơn 6 tấn tỏi do gia đình trồng còn tồn, bà Lương Thị Hoa (thôn Xuân Tây) còn tồn hơn 10 tấn tỏi mà bà thu mua từ đầu mùa vụ của các hộ trong làng. Bà Hoa cho biết: “Theo lời hẹn của các thương lái, năm nay, tôi đã gom hơn 100 tấn tỏi của các hộ với giá đầu vụ hơn 43.000 đồng/kg. Chờ đến tháng 5 không thấy các thương lái tới thu mua, gia đình phải bán lỗ với giá 40.000 đồng/kg. Hiện nay vẫn còn tồn hơn 10 tấn, thương lái chỉ trả với giá 8.000 đồng/kg”.
Mong đầu ra ổn định
Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Vạn Hưng, toàn xã có hơn 200 hộ trồng tỏi, chủ yếu ở thôn Xuân Tây và thôn Xuân Đông với khoảng 200ha. Lâu nay, tỏi thu hoạch đến đâu đều được các thương lái thu mua hết đến đó với giá rất cao. Năm nay, tỏi được mùa nhưng giá lại rớt thê thảm. Hiện nay, người dân tồn hơn 200 tấn tỏi chưa bán được. Đó là chưa kể những hộ đứng ra gom hàng cho các thương lái cũng đang bị tồn hàng trăm tấn tỏi.
Điều đáng nói là lâu nay việc tiêu thụ tỏi của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái mà chưa có một tổ chức, doanh nghiệp nào đứng ra ký kết thu mua. Năm 2017, xã Vạn Hưng đã thành lập Hợp tác xã sản xuất tỏi, nhưng đến nay vẫn chưa liên kết được với bất kỳ doanh nghiệp nào để thu mua tỏi. Ông Lê Ngọc Ninh cho biết: “Sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm, giá cả thì bấp bênh, không ổn định. Chúng tôi mong các cấp, ngành, địa phương quan tâm tìm đầu ra ổn định cho người dân theo hướng kêu gọi các doanh nghiệp ký kết thu mua”.
Bà Trần Thị Thu – Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết: “Lâu nay, địa phương cũng rất trăn trở trong việc tìm đầu ra cho cây tỏi. Một số doanh nghiệp cũng đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề thu mua nhưng họ đưa ra giá khá thấp, không có lãi nên người dân không đồng ý. Vừa qua, cùng với tỏi thị xã Ninh Hòa, cây tỏi của Vạn Hưng đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP. Đây là một tín hiệu vui, song với những gì đang diễn ra thì nông dân lại rất buồn. Địa phương rất mong các ngành chức năng, doanh nghiệp quan tâm sớm có hướng tiêu thụ hơn 200 tấn tỏi của người dân còn tồn đọng. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tới tìm hiểu ký kết tiêu thụ, nhằm tạo đầu ra ổn định cho người dân”.
VĂN GIANG
Theo: Báo Khánh Hòa