Ngày 7-11, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký Quyết định 3028/QĐ-UBND ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Kế hoạch này xác định 6 mục đích và 16 nhiệm vụ, giải pháp nhằm giữ gìn, phục hồi rạn san hô vịnh Nha Trang.

Nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài

Trước đó, đầu tháng 6-2022, Báo Người Lao Động đã có loạt bài “Bảo tồn biển vịnh Nha Trang: S.O.S!”, phản ánh hiện tượng suy giảm rạn san hô nghiêm trọng tại Khu Bảo tồn biển (KBTB) vịnh Nha Trang, nhất là tại vùng lõi Hòn Mun.

Trước thực trạng trên, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân. Kết luận ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy phần lớn rạn san hô tại Hòn Mun chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Sau đó, Thường trực Tỉnh ủy có văn bản kết luận, khẳng định việc giữ gìn, phục hồi vịnh Nha Trang và rạn san hô ở Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ qua trọng vừa cấp thiết vừa lâu dài của tỉnh Khánh Hòa nói chung và TP Nha Trang nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, cấp thiết phải có kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang.

Theo kế hoạch vừa được ban hành, UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra một số giải pháp trọng tâm, như: Nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang; tạm dừng các hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang; khảo sát, phân vùng chức năng khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang; xây dựng sinh kế bền vững của cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang; kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang.

Song song đó, đánh giá tình trạng rạn san hô ven bờ Khánh Hòa; thử nghiệm tạo rạn nhân tạo ở vịnh Nha Trang; thực thi phương thức phối hợp liên ngành trong quản lý vịnh Nha Trang; tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động quản lý vịnh Nha Trang…

Hình ảnh rạn san hô ở vùng lõi Hòn Mun, Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang đang phục hồi sau khoảng 4 tháng ngừng dịch vụ lặn biển

Triển khai hàng loạt biện pháp

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, cho biết việc UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch tổng thể là một trong những căn cứ quan trọng để phát triển vịnh Nha Trang một cách bền vững.

Theo ông Thái, BQL vịnh Nha Trang đã và đang triển khai các biện pháp mà kế hoạch đề ra, trong đó phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Viện Hải dương học và các nhà khoa học khảo sát phân vùng chức năng KBTB vịnh Nha Trang. Trên cơ sở đó lập bản đồ đánh giá, xác định lại các vùng nào được phép lặn, phát triển du lịch, vùng nào nghiêm cấm, vùng nào là bãi đẻ cho rùa, cá…

BQL vịnh Nha Trang có kế hoạch lắp camera dạng năng lượng mặt trời nhằm tăng cường giám sát ở khu vực Hòn Mun. Phía UBND TP Nha Trang đã đề nghị cấp tổng kinh phí hơn 7,3 tỉ đồng để thực hiện việc này phòng tránh các trường hợp đánh bắt trái phép ở vùng lõi Hòn Mun.

Trong khi đó, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đang trồng, phục hồi san hô thí điểm ở một số khu vực tại đảo Hòn Mun, cũng như một số điểm trong vịnh Nha Trang. Phương pháp phục hồi là giá thể Ribbon trên cơ sở kế thừa kết quả từ đề tài nghiên cứu khoa học trước đây. Viện Nghiên cứu Khoa học công nghệ khai thác thủy sản Nha Trang cũng đang trồng phục hồi san hô ở Hòn Mun bằng phương pháp Biorock, kích thích điện tích, tạo điều kiện hình thành các bề mặt phù hợp cho các hợp tử san hô bám vào và phục hồi cá thể mới.

“Thời gian qua, UBND TP Nha Trang đã dừng việc lặn biển ở Hòn Mun. Qua quan sát của BQL thì san hô ở đây đã có dấu hiệu phục hồi. Nhiều cụm san hô non đã mọc trở lại trong quần thể san hô đã bị chết từ trước. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để phục hồi hoàn toàn sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, chúng tôi cần sự chung tay của cộng đồng, người dân, nhà khoa học để tiếp tục phục hồi bảo vệ hệ sinh thái vịnh Nha Trang như: trồng rừng ngập mặn, chống đánh bắt trái phép, doanh nghiệp du lịch bảo vệ rạn san hô…” – ông Thái nói.

Bên cạnh đó, BQL vịnh Nha Trang đề xuất chính quyền khoanh vùng cho rùa đẻ tại Bãi Bàng lớn – Đầm Tre để bảo tồn loài động vật biển đang nguy cấp. Tại khu vực Bãi Bàng lớn, nhân viên BQL phát hiện nhiều cá thể rùa biển. Để rùa trưởng thành trở lại vùng biển phải mất vài chục năm do đó, ngay từ bây giờ phải khoanh vùng, lập bãi cho rùa đẻ cần sớm thực hiện. 

Hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký kết biên bản ghi nhớ với Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, về việc hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác thực hiện các nội dung: Đánh giá tổng thể hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô; đề xuất các giải pháp quy hoạch, quản lý, bảo tồn, phục hồi, tăng cường bảo vệ và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tại khu vực Hòn Bà, sông Cái, Hòn Chồng, Hòn Mun, vịnh Nha Trang…







Bài và ảnh: KỲ NAM