Dự án đường cao tốc Bắc-Nam sẽ thắt chặt năng lực tài chính đối với nhà đầu tư tham gia. Điều này sẽ dẫn đến các khả năng nhà đầu tư trong nước sẽ gặp khó khăn về khả năng huy động nguồn vốn.
Trong khi đó, điều kiện tiên quyết để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài là về cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu và bảo lãnh ngoại tệ của Chính phủ lại chưa được xác lập trong các bộ hồ sơ mời sơ tuyển.
Loại bỏ nhà đầu tư “tay không bắt giặc”
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện 11 dự án cao tốc Bắc-Nam đã lựa chọn xong tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán (gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Bộ cũng yêu cầu trước ngày 10/5 tới đây, các Ban quản lý dự án phải phát hành hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra dự kiến kế hoạch kết thúc sơ tuyển khoảng tháng 8/2019, công tác đấu thầu nhà đầu tư dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2019 (sau khi có kết quả thiết kế kỹ thuật, dự toán) và hoàn thành khoảng tháng 3/2020.
Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, điểm về năng lực tài chính của nhà đầu tư lựa chọn mức 60% tổng số điểm (tương ứng 60/100 điểm); điểm năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư là 30% tổng số điểm (tương ứng 30/100 điểm); điểm về phương pháp triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư 10% tổng số điểm (tương ứng 10/100 điểm).
Trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của nhà đầu tư liên danh sẽ là tổng năng lực của các thành viên trong liên danh, đồng thời từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh.
[Cao tốc Bắc-Nam: Đấu thầu chọn nhà đầu tư ‘lời ăn, lỗ chịu’]
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, việc lựa chọn nhà đầu tư phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn sơ tuyển và đấu thầu. Trong đó, giai đoạn sơ tuyển quốc tế (thực hiện trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt) sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm để lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư đủ điều kiện và có điểm đánh giá cao nhất vào vòng đấu thầu.
Giai đoạn đấu thầu (thực hiện trên cơ trên cơ sở kết quả bước thiết kế kỹ thuật, dự toán theo Nghị quyết số 20/NQ-CP) sẽ lựa chọn một nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật và giá gói thầu tốt nhất để thực hiện dự án.
“Kinh nghiệm triển khai các dự án PPP trong thời gian qua cho thấy năng lực tài chính của nhà đầu tư là rất quan trọng, là yếu tố quyết định việc triển khai dự án thành công. Việc đấu thầu nhà đầu tư thực hiện dự án phải bảo đảm trung thực, khách quan, công bằng, bất kỳ nhà đầu tư nội hay ngoại tham gia đều phải đáp ứng yêu cầu mà không có ngoại lệ,” Thứ trưởng Nhật nhấn mạnh.
Nhà đầu tư vẫn là ẩn số
Đánh giá sơ bộ về khả năng tham gia của các nhà đầu tư, theo Thứ trưởng Nhật, Việc nhà đầu tư trong nước đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ (như vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét;…) cũng rất hạn chế nên sẽ phải liên danh với các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu.
“Ngoài ra, trong điều kiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cũng gặp nhiều khó khăn,” ông Nhật cho hay.
[Nhà đầu tư có quyền định đoạt mức phí BOT tại dự án đường xây mới?]
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, Chính phủ cũng đánh giá trong điều kiện chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao, hành lang pháp lý và điều kiện hiện nay chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như yêu cầu các nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài (như bảo lãnh doanh thu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ 3 thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng), chưa thể khẳng định việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài sẽ thành công.
“Từ thực tiễn cho thấy, để triển khai thành công các dự án PPP phụ thuộc rất nhiều vào thị trường (mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận các lĩnh vực khác, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn, mức độ ổn định chính sách của quốc gia,…). Để đánh giá chính xác khả năng tham gia của nhà đầu tư trong nước hay quốc tế phải qua bước sơ tuyển mới đủ cơ sở để đánh giá,” phía Bộ Giao thông bày tỏ quan điểm.
Thời gian vừa qua, một số nhà đầu tư nước ngoài (như Tập đoàn Thái Bình Dương, tập đoàn CGGC của Trung Quốc; Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản; Tập đoàn Hyundai, Lotte của Hàn Quốc; Tập đoàn Acciona của Tây Ban Nha…) có quan tâm và tìm hiểu về thông tin về dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông vận tải cũng như một số chuyên gia đều cho rằng, nếu phía cơ quan Nhà nước không có cơ chế quản lý chặt chẽ, sẽ không thể kiểm soát được việc thi công chậm, đội vốn lớn…
Thậm chí, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải bồi thường do không lường trước được các rủi ro như chậm giải phóng mặt bằng, chậm bố trí vốn Nhà nước… cho dù nhà đầu tư đến từ Trung Quốc hay bất cứ nước nào.
Nhấn mạnh vấn đề đặt ra là phía cơ quan Nhà nước cần xác định được các rủi ro và xây dựng cơ chế phân bổ rủi ro hợp lý cho các bên theo đúng quy định pháp luật Việt Nam, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động tư vấn giao dịch quốc tế (dưới sự hỗ trợ của ADB và WB) để tư vấn pháp lý xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng và hỗ trợ trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư./.
Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52/2017 có chiều dài 654km. Dự án có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công gồm Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2. Có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT là Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây. |
Việt Hùng (Vietnam+)
Theo: Viet Nam Plus