Thời gian qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo… đã bị kẻ gian chiếm quyền sử dụng (hack). Trên cơ sở tài khoản hack được, các đối tượng đã mạo danh để nhắn tin lừa đảo.
Một ngày đầu tháng 4, ông T.Q.K (trú TP. Cam Ranh) vào mạng xã hội thì thấy tài khoản Facebook cá nhân đã bị chiếm quyền sử dụng (hack), ứng dụng Messenger cũng chịu cảnh tương tự. Ông K. đã lập tức thông báo về vụ việc trên Zalo để mọi người cảnh giác. Tuy ông K. đã có hành động để phòng ngừa kẻ xấu nhưng một trong những người bạn cùng công ty ông này đã bị lừa mất 1 triệu đồng. Theo ông K., sau khi chiếm được quyền sử dụng tài khoản cá nhân, kẻ xấu sẽ đọc các tin nhắn và nhắm đến những người thân thiết, thường xuyên nhắn tin, trao đổi công việc…, từ đó mạo danh, gửi tin nhắn để lừa đảo như: cần nạp card điện thoại hoặc cần xử lý một công việc, muốn mượn nóng một khoản tiền. Với số tiền nhỏ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, những người bạn thân của mình rất có thể sẽ không nghi ngờ. Đây là thủ đoạn khá tinh vi của kẻ xấu mà người dân cần nâng cao cảnh giác.
Theo Công an TP. Nha Trang, thủ đoạn hack tài khoản mạng xã hội để lừa tiền của các đối tượng không phải mới, nhưng một số người mất cảnh giác vẫn sẽ bị lừa. Hiện nay, một số đối tượng còn sử dụng Zalo để giăng bẫy, lừa tiền. Tìm hiểu được biết, thủ đoạn của kẻ xấu khi sử dụng mạng xã hội Zalo thường là dùng ảnh đại diện giống với hình ảnh thật của một ai đó, rồi chủ động kết bạn với những người cài đặt ứng dụng Zalo, sau đó nhắn tin mượn tiền và chiếm đoạt.
Cũng theo cơ quan công an, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo đã không chú trọng trong việc bảo mật tài khoản của chính mình. Vì thế, kẻ xấu rất dễ thực hiện các hành vi chiếm quyền sử dụng để thực hiện lừa đảo. Để phòng ngừa tài khoản cá nhân bị hack, với tài khoản Facebook, người dân cần thực hiện cài đặt mật khẩu bao gồm cả ký tự số và chữ thường, chữ hoa xen lẫn, đồng thời xác thực đăng nhập bằng số điện thoại (bảo mật 2 lớp). Đối với tài khoản Zalo, người dân cũng cần áp dụng chế độ cài đặt mật khẩu bao gồm cả chữ thường, chữ hoa và ký tự số. Cùng với đó, người dân sau khi nhận được tin nhắn mượn tiền của bất kỳ người thân nào trong danh sách bạn bè trên nền tảng mạng xã hội thì cần gọi điện xác thực thông tin để tránh bị lừa.
Thành Long
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/202204/canh-giac-thu-doan-lua-tien-qua-mang-xa-hoi-8247954/