Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới qua mạng

Chỉ sau một vài cú nhấn trên điện thoại, gần 100 triệu đồng trong tài khoản của ông X. (trú TP. Nha Trang) đã không cánh mà bay.

Vợ của ông X. tên V. hay mua sắm hàng trên mạng xã hội. Ngoài việc mua sắm cho riêng mình, bà V. cũng mua đi bán lại một số mặt hàng như quần áo, giày dép hay túi xách cho những khách thân thiết. Chiều 27-9 vừa qua, như thường nhật, bà V. sau khi đăng tải thông tin rao bán túi xách trên mạng xã hội đã nhận được phản hồi của bạn hàng.

Ảnh minh họa.

Trong số này, bạn hàng có tên (nick name) “Hang Thu” nhắn qua ứng dụng Messenger trên điện thoại của bà và ngỏ ý muốn mua 11 túi xách thời trang với giá gần 2 triệu đồng. Sau hồi thỏa thuận giá cả, hai bên chốt giá 1,7 triệu đồng cho 11 sản phẩm túi xách. Chốt giá, khách yêu cầu người bán gửi số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. “Bà V. đã sử dụng tài khoản của chồng mình trong những lần giao dịch trước đó. Vì thế, đã lập tức gửi số tài khoản được mở tại ngân hàng Techcombank, có 6 số cuối là 217017 cho khách chuyển tiền”, cán bộ điều tra thông tin.

Một lúc sau, nick name “Hang Thu” nhắn lại cho bà V. biết đã thanh toán số tiền nêu trên. Một lúc sau, chủ tài khoản là ông X. tiếp tục nhận được tin nhắn từ số điện thoại 0896.205.797 về việc có giao dịch 1,7 triệu đồng từ kênh thanh toán quốc tế Western Union và yêu cầu chủ tài khoản nhấn vào đường liên kết (link) của website: westernunion-onlinebanking.weebly.com để xác nhận giao dịch.

Tưởng thật, ông X. đã không ngần ngại nhấn vào đường link có trong tin nhắn vừa nhận. Ngay khi click vào đường link, ông X. đã nhập các thông tin có liên quan đến tài khoản của mình, bao gồm: Họ tên, địa chỉ, số tài khoản, số điện thoại sử dụng dịch vụ Internet Banking, mật khẩu vào website. “Đây là lần đầu ông X. thao tác trên trang mạng kiểu này. Chủ tài khoản không hề biết đó lại là cái bẫy đang được giăng sẵn, chỉ chờ con mồi sập bẫy mà thôi”, cán bộ điều tra cho biết. Cứ nghĩ sau khi cung cấp thông tin mà dịch vụ “chuyển tiền nhanh quốc tế” yêu cầu, ông X. sẽ nhận được 1,7 triệu đồng, nào ngờ toàn bộ số tiền, bao gồm 98 triệu đồng trong tài khoản ông này đã được chuyển sang số tài khoản được mở tại ngân hàng Techcombank là: 1903.4738.1770.13.

Bàng hoàng, vợ chồng ông X. đã đến cơ quan công an trình báo. Trao đổi với phóng viên, sáng 1-10, cán bộ điều tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Công an TP. Nha Trang) cho biết, ngay khi nhận được tin tố giác tội phạm, đơn vị đã vào cuộc điều tra. Bước đầu, cơ quan công an xác định, tin nhắn mà ông X. nhận được từ số điện thoại 0896.205.797 là tin nhắn giả mạo, hòng đưa chủ tài khoản truy cập vào một website giả mạo từ dịch vụ thanh toán quốc tế là Western Union. “website này là hoàn toàn giả mạo và có giao diện như thật của Western Union. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn Nha Trang có người bị lừa theo phương thức này. Ngoài ra, số tiền 1,7 triệu đồng theo thông báo của khách hàng đã giao dịch thành công thì ông X. cũng chưa hề nhận được”, cán bộ điều tra cho biết.

Vậy làm sao để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo mới này? Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang, nếu người dân nhận được e-mail hoặc tin nhắn từ ai đó bạn không biết để đăng nhập vào một website thì hết sức thận trọng. Vì như thế người dân có thể đã nhận được một e-mail lừa đảo có chứa các liên kết đến một website lừa đảo. Một website lừa đảo còn gọi là giả mạo, sẽ cố gắng đánh cắp mật khẩu tài khoản của chủ tài khoản hoặc các thông tin bí mật khác bằng cách lừa họ tin rằng đang truy cập một website hợp lệ. Tội phạm công nghệ cao hiện nay có thể dễ dàng tạo một website trông giống như một bài viết thực thụ, hoàn tất với logo và các đồ họa khác của một website đáng tin cậy. Vì thế, nếu chủ tài khoản không hoàn toàn chắc chắn về một website, thì không đăng nhập vào website đó.

Thành Long

Theo: Báo Khánh Hòa