Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cảnh giác khi vay tiền qua mạng

Thời điểm cuối năm, hoạt động tội phạm, nhất là lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội đã và đang có những diễn biến phức tạp khiến nhiều người sập bẫy…

Là công nhân công ty may mặc đồ xuất khẩu ở Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm, chị N. (quê ở xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh) vốn đã khó khăn nay càng thêm khổ sở vì bị các đối tượng lừa mất 6,5 triệu đồng. Theo trình bày của chị N., chị mới sinh con được 4 tháng nên phải nghỉ việc, ở nhà chăm con. Điều này đồng nghĩa với việc chị không có lương hàng tháng. Lương của chồng chị cũng chỉ chưa đến 7 triệu đồng/tháng, cả nhà hiện sống bằng khoản lương này. Trong khi đó, chị lại cần mua sắm một số đồ đạc và phải trả một khoản nợ nên rất cần tiền vào thời điểm này. Vì vậy. chị N. đã vào mạng xã hội để tìm nguồn vay. Đây là lần đầu chị tìm nguồn vay trên mạng khi được đồng nghiệp mách nước. Nhưng chị không thể ngờ đó lại là một cái bẫy được giăng sẵn.

Tin nhắn được vay tiền trong chốc lát đã khiến chị N. bị lừa.

Theo đó, các đối tượng đã lừa chị N. tải ứng dụng (app) ví điện tử về điện thoại. Sau đó, tiến hành các cài đặt theo chỉ dẫn của app. Tuy vậy, chị N. không thể đăng nhập vào ứng dụng này mà phải “nhờ” đến những người trên mạng xã hội. “Đối tượng đã gọi điện cho tôi và nói chỉ cần gửi vào ví điện tử này vài triệu đồng thì ngày hôm sau có thể rút được hàng chục triệu đồng. Đang trong lúc thiếu tiền, lại được chỉ dẫn vay được tiền một cách nhanh chóng nên tôi đã nghe theo các đối tượng”, chị N. kể. Theo đó, các đối tượng yêu cầu chị đến một cửa hàng điện máy gửi tổng số tiền là 6,5 triệu đồng vào “ví điện tử” của chính mình, rồi đợi đến ngày hôm sau có thể rút được khoản vay cao gấp nhiều lần. Tưởng thật, chị N. đã vay được 6,5 triệu đồng để gửi vào “ví điện tử”. Tuy vậy, chỉ chưa đầy nửa giờ sau, “ví điện tử” của chị đã không còn 1 xu nào!  

Cho chúng tôi xem các tin nhắn của ứng dụng “ví điện tử”, chúng tôi dễ dàng nhận ra đó là mã xác thực (OTP) của ứng dụng “ví điện tử” nhưng chị N. đã cung cấp cho các đối tượng các mã bí mật để các đối tượng dễ dàng sử dụng mua sắm, thậm chí chuyển tiền trong “ví điện tử” sang tài khoản khác và bị chúng chiếm đoạt. Mãi đến sáng hôm sau, chị N. mới nhận ra mình bị lừa.

Tìm hiểu được biết, ngoài chị N., trong thời gian gần đây đã có không ít người bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Trong đó, những người bạn thân của chị N. như nam công nhân tên T. hay L. cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự. “Chỉ đến khi bị lừa tôi mới nhận ra việc cung cấp mã OTP cho người khác chẳng khác nào trao tiền cho họ. Đây là bài học đối với không chỉ mình tôi”, chị N. nói như muốn khóc.

 
Trung tá Trần Ngọc Bích – Đồn trưởng Đồn Công an Khu Công nghiệp Suối Dầu cho biết, qua công tác nắm tình hình, đơn vị biết được đã có không ít công nhân bị lừa đảo khi vay tiền qua mạng. Ngày 16-12, trong cuộc họp giao ban với các công ty trong khu công nghiệp, đơn vị đã có những cảnh báo đến lãnh đạo các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn để họ tuyên truyền đến công nhân, tránh bị sập bẫy của tội phạm mạng.

Được biết, sắp tới, Đồn Công an Khu Công nghiệp Suối Dầu sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động đến các doanh nghiệp, công ty và các khu dân cư lân cận về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng mà công nhân cần tránh để không bị sập bẫy.

Thành Long
 

Theo: Báo Khánh Hòa