Hiện nay, nhiều đối tượng thường xuyên gọi điện tới Tổng đài 114 (tiếp nhận tin báo cháy, cứu nạn, cứu hộ trong tình huống khẩn cấp) để quậy phá, báo tin cháy giả. Việc làm này không chỉ vi phạm pháp luật mà có thể gây ra những hậu quả khôn lường…
Một ngày giữa tuần, chúng tôi có dịp đến Tổ trực ban tổng đài 114 thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh). Tại đây, theo quan sát của chúng tôi, 2 điện thoại tổng đài 114 luôn trong tình trạng đổ chuông. Được biết, trong cùng một thời điểm, tổng đài 114 có thể tiếp nhận cùng lúc 2 tin báo cháy. “Vào thời gian này, do đang là những ngày hè oi bức thường có các cuộc gọi báo cháy nhiều hơn so với thời gian trước. Từ việc cháy trạm biến áp, chập điện gây cháy tại các trụ điện hay đơn giản là đốt dây điện để lấy lõi đồng gây cháy cây cỏ cũng được người dân điện báo tới tổng đài”, cán bộ trực ban thông tin.
Khi vị cán bộ vừa dứt lời thì một điện thoại của tổng đài reo vang. Cán bộ trực ban lập tức nhấc ống nghe. Quan sát nhanh, phóng viên dễ dàng nhận ra vị cán bộ đang cố kiềm chế về cuộc gọi “báo cháy” vừa tiếp nhận. “Cuộc gọi báo cháy giả đó anh. Người đàn ông này có vẻ say rượu, rồi gọi điện báo cháy ở đâu đó nhưng giọng đã không còn tỉnh táo. Khi báo xong thì cười khà khà như thể để thỏa mãn việc quậy phá”, cán bộ trực ban nói.
Theo lãnh đạo Đội Tham mưu Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, cuộc gọi báo cháy giả, quậy phá tổng đài 114 thường diễn ra từ chập tối đến 22 giờ hàng ngày. “Nhiều cuộc người gọi điện đến còn chẳng nói lời nào mà chỉ cười. Ngoài ra, còn có cả trẻ nhỏ lấy điện thoại của bố mẹ, gọi điện tới tổng đài báo cháy giả”, lãnh đạo Đội Tham mưu cho biết.
Vẫn biết cứ đến tối là có nhiều cuộc gọi chọc phá, báo cháy giả nhưng cán bộ trực ban vẫn không thể lơ là. Hễ có điện thoại gọi tới, các cán bộ đều lập tức nghe máy. Tuy vậy, việc các đối tượng gọi điện tới tổng đài 114 quậy phá, báo tin cháy giả cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chữa cháy. “Chỉ cần để sót một tin báo cháy thật thì hậu quả khôn lường, nhưng các đối tượng vẫn chưa nhận thức được điều này mà thường xuyên gọi điện tới tổng đài của chúng tôi chỉ để chọc phá”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết. Gần đây, địa bàn TP. Nha Trang là nơi có nhiều cuộc gọi quậy phá nhất. Ngày hè, các em nhỏ tụ tập chơi cả nhóm rồi thay nhau dùng điện thoại gọi tới tổng đài vì thế cuộc gọi báo cháy giả cũng tăng lên.
Tại Điểm a và b, khoản 3, Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định vi phạm về thông tin báo cháy: phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi: báo cháy giả; không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy.
|
Ngoài các tin báo cháy giả, cuộc gọi đến tổng đài để quậy phá thì có khi cán bộ trực ban tổng đài còn tiếp nhận những cuộc gọi… nhầm. “Chẳng hạn, một đơn vị gọi tới tổng đài 114 để mua gas. Khi chúng tôi giải thích là tổng đài phục vụ công tác báo cháy và cứu nạn, cứu hộ thì họ xin lỗi”, lãnh đạo Đội Tham mưu nói.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC, việc tiếp nhận tin báo cháy và xuất xe trong thời gian sớm là điều hết sức quan trọng, vì đám cháy thường lan rất nhanh. Tuy vậy, các cuộc gọi tới tổng đài 114 hiện nay không những không giảm mà còn gia tăng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chữa cháy, nhất là trong mùa khô hanh hiện nay. Tuy vậy, khi được hỏi về giải pháp để ngăn các cuộc gọi kể trên, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết, phải “sống chung với lũ”. “Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành quy định báo cháy, việc quan trọng là các đơn vị liên quan như nhà mạng cũng cần phối hợp và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp quậy phá tổng đài 114. Tuy vậy, đa số các cuộc gọi tới quậy phá, báo tin giả lại dùng sim rác nên việc xử lý các đối tượng quậy phá là chưa hiệu quả”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết.
Thành Long
Theo: Báo Khánh Hòa