Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cẩn trọng với những bài thuốc điều trị Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, không ít người dân sẵn sàng chi tiền để mua các loại thuốc được cho là “thần dược” điều trị Covid-19 ở trên mạng, dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Tràn lan “bài thuốc” trên mạng


Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa chính thức khẳng định về loại thuốc nào đặc trị Covid-19 thì trên các mạng xã hội xuất hiện tràn lan thông tin các loại thuốc đặc hiệu, “thần dược” có thể chữa trị Covid-19.



Cần cẩn trọng với những bài thuốc chưa được kiểm chứng tràn lan trên mạng xã hội .



Giữa tháng 8, thấy trên group nhóm bạn lan truyền nhiều bài thuốc phòng ngừa, điều trị Covid-19 bằng cách: “Một ngày 1 viên vitamin C, sốt thì uống Paracetamol hạ sốt, uống Aspirin chống đông máu cục. Đeo khẩu trang khi ra đường, nhớ thoa dầu gió vào lỗ mũi. Chú ý: Loại virus này nó sợ nóng, sợ dầu nên thoa dầu, hít dầu nhiều lần”, bà Nguyễn Thị Đông (Phước Hòa, TP. Nha Trang) liền ra tiệm thuốc mua chục vỉ Paracetamol, Aspirin và dầu gió để dành. Bà Đông lý giải: “Mua thuốc dự phòng trước, lỡ khi dịch bùng phát thì khó mà mua, không dùng cho bệnh này thì dùng bệnh khác”.


Không chỉ có bài thuốc trên, trên mạng xã hội, group hội nhóm còn lan truyền bài thuốc sử dụng Đông – Tây y kết hợp đảm bảo điều trị khỏi Covid-19 như: “Ngày 3 lần, mỗi lần nhai 3 tép tỏi, uống nhiều nước chanh gừng hoặc trà gừng, xông hơi với gừng, sả, tỏi, hành tím và dầu gió. Khi khó thở thì uống thêm 1 viên Aspirin và 1 viên Amoxicillin”. Hoặc “Xông hơi bằng sả, dầu, 1 muỗng cafe giấm (con virus nấm nó sợ chua), xông 2 lần mỗi ngày. Uống nước chanh nóng hàng ngày, nếu người lớn tuổi thì thêm vài lát gừng vào cho ổn định huyết áp”.


Đáng chú ý, trên một số tài khoản mạng xã hội còn nhận định, việc điều trị Covid-19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa ra những hướng dẫn về bài thuốc trị Covid-19. Những bài viết này đã được nhiều người lan truyền, hiệu quả đến đâu vẫn không ai có thể kiểm chứng.

Nhiều nguy hiểm


Cảnh báo về việc điều trị Covid-19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bác sĩ Huỳnh Minh Tâm – Giám đốc Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, đây là hành động nguy hiểm bởi nguyên nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh và hướng dự phòng cũng như điều trị ở 2 nhóm bệnh này là hoàn toàn khác nhau. Hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là thuộc nhóm bệnh hô hấp mãn tính, nguyên nhân gây bệnh không phải do vi-rút hay vi khuẩn mà chủ yếu là do tiếp xúc với các tác nhân kích thích từ bên ngoài (các phân tử khí độc hại, hóa chất độc hại hoặc các dị nguyên, thay đổi thời tiết…) gây ra viêm niêm mạc đường thở biểu hiện viêm phù nề niêm mạc, co thắt cơ trơn phế quản và tăng tiết dịch nhầy phế quản… hậu quả làm cho người bệnh khó thở dai dẳng. Đây là nhóm bệnh cần phải được tư vấn, quản lý và điều trị lâu dài để hạn chế tiến triển nặng của bệnh và các biến chứng do bệnh gây ra. Còn Covid-19 là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 gây ra, ở mức độ nhẹ sẽ gây ra tình trạng viêm hô hấp trên, ở mức độ vừa trở lên sẽ gây ra tổn thương ở phổi mà đặc trưng là xuất tiết phế nang, phù nề xơ hóa mô kẽ và viêm đông đặc nhu mô phổi… ở mức độ nặng của bệnh (vào ngày thứ 5-7, có thể kéo dài đến ngày thứ 10 từ khi nhiễm bệnh) cho thấy sự hiện diện của tổn thương thành phế nang và những tổn thương này phần lớn là do huyết khối trong mao mạch phổi dẫn đến hiện tượng tắc các mạch máu nhỏ ở phổi. Hậu quả là gây ra giảm nồng độ oxy trong máu do các phế nang phổi không trao đổi được khí làm bệnh nhân khó thở. Việc áp dụng phác đồ điều trị của các bệnh lý hô hấp mãn tính khác trong trường hợp mắc Covid-19 hoàn toàn vô tác dụng, thậm chí có thể gây thiệt hại đến tính mạng người bệnh.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hiện tại, việc điều trị Covid-19 tại Việt Nam đã có hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung, và Covid-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia y tế.  Người dân cần cẩn trọng trước các bài thuốc lan truyền không rõ nguồn gốc trên các mạng xã hội, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần xin ý kiến bác sĩ, không được tự ý sử dụng. “Để công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 phát huy hiệu quả, người dân chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng chống dịch, không chủ quan nhưng cũng không tin một cách mù quáng vào những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng” – bác sĩ Toàn khuyến cáo.


C.Đan

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202109/can-trong-voi-nhung-bai-thuoc-dieu-tri-covid-19-8228346/