Những ngày mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) xảy ra việc 36 khách du lịch tự phát bị mắc kẹt tại núi Tà Giang đã làm dấy lên nỗi lo ngại về sự an toàn khi tham gia các loại hình du lịch có yếu tố mạo hiểm.
Ngày 28-11, 2 đoàn khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh cùng 9 người dân địa phương đã tham gia tour leo núi Tà Giang (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn). Theo lịch trình, đoàn kết thúc tour vào chiều tối 29-11, điểm kết thúc tour tại khu vực đèo Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh). Tuy nhiên, trong thời gian đó, mưa liên tục kéo dài đã khiến nước ở các sông suối dâng cao, đoàn bị mắc kẹt trong rừng và lưu lại tại khu vực trại chăn nuôi bò. Đến ngày 1-12, đoàn mới ra khỏi rừng an toàn.
Anh S. là người chuyên tổ chức các tour du lịch theo hình thức khám phá, dã ngoại cho biết, cung đường treking (đi bộ khám phá) núi Tà Giang những năm gần đây được nhiều người yêu thích, bản thân anh cũng từng dẫn khách khám phá cung đường này. Quãng đường đi của tour Tà Giang dài chừng 28km, địa hình khoảng 70% là đi dọc suối đá, 30% là đồi, dốc; có nhiều cảnh đẹp như đồi cỏ, hồ nước trong xanh… Tuy nhiên, thời gian thích hợp nhất để khám phá cung đường này khoảng từ tháng 2 đến tháng 7 trong năm; thời điểm từ tháng 8, tháng 9 đến cuối năm là mùa mưa, cung đường này lại khá nguy hiểm do địa hình có suối lớn. “Trước khi xảy ra sự việc đoàn khách bị kẹt giữa rừng tại núi Tà Giang, trên các diễn đàn du lịch khám phá, tôi có thấy các nhóm lên kế hoạch đi và đã lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm khi đi vào thời điểm này nhưng mọi người lại không để ý”, anh S. chia sẻ.
Ông Lê Ánh Sáng – Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết, thời gian qua, có nhiều đoàn khách đến xã Thành Sơn để đi leo núi Tà Giang. Tuy nhiên, đây là hoạt động không được cho phép nên xã đã cắm bảng cấm ở đầu lối vào khu vực leo núi ở thôn Tà Giang 2 bất kể thời điểm nào trong năm. Nếu phát hiện có đoàn đi, lực lượng chức năng của xã sẽ yêu cầu quay trở về. Thực tế cũng đã có nhiều đoàn bị địa phương yêu cầu không được đi, nhưng họ vẫn lén lút thực hiện. Các đoàn khách thường hẹn nhau trên mạng xã hội, khi đến Khánh Sơn, họ thuê người địa phương đi theo vừa để dẫn đường, vừa mang vác vật dụng cho các thành viên trong đoàn. Cái khó trong việc kiểm soát hoạt động này là các đoàn thường đi vào ngày nghỉ cuối tuần. Xã cũng đã nhiều lần nhắc nhở, tuyên truyền người dân địa phương không dẫn các đoàn khách đi leo núi, nhưng vì lợi ích cá nhân nên nhiều người vẫn làm.
Vụ việc vừa qua tại huyện Khánh Sơn không phải trường hợp đầu tiên được ghi nhận về sự cố của các đoàn du lịch khám phá. Cùng thời điểm với sự việc tại núi Tà Giang, tại tỉnh Lâm Đồng, nhóm du khách tham gia tour khám phá núi rừng tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà khi băng qua cầu treo đã bị nước lũ cuốn trôi 4 du khách, trong đó 2 người may mắn đã được cứu, 2 người còn lại đã thiệt mạng.
Những trường hợp vừa qua lại một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn của các đoàn du lịch khám phá tự phát, đặc biệt trong mùa mưa lũ; công tác quản lý, tuyên truyền, trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương về vấn đề này. Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay, chưa có công ty lữ hành nào ở Khánh Hòa bán tour du lịch mạo hiểm như: leo núi, chèo thuyền vượt ghềnh thác, thám hiểm hang động, rừng núi… Lâu nay, việc đi du lịch có yếu tố mạo hiểm diễn ra chủ yếu mang tính tự phát. Nên chăng, cơ quan chức năng quản lý về lĩnh vực du lịch của tỉnh phối hợp với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát lại đối với hoạt động du lịch có yếu tố nguy hiểm, mạo hiểm này. Từ đó, có phương án quản lý chặt chẽ, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc.
HẠ PHONG – GIANG ĐÌNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202012/can-trong-du-lich-kham-pha-8196996/