Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cẩn thận với bệnh lý “hậu Covid-19”

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay có một số bệnh nhân mắc Covid-19 đã được điều trị khỏi, tuy nhiên sau khi xuất viện vẫn có các triệu chứng Covid-19 kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng, ảnh hưởng xấu chất lượng sống của họ.

Triệu chứng Covid-19 kéo dài


Chị N.T.H. (34 tuổi, TP. Nha Trang) có kết quả dương tính Covid-19 vào ngày 20-9, được đưa vào Bệnh viện Dã chiến số 3 để điều trị. Tuy nhiên, từ lúc khỏi bệnh đến nay đã hơn 10 ngày, chị H. thường xuyên mỏi mệt, mất ngủ. Ông B.P.K (68 tuổi, thị xã Ninh Hòa) bị lây nhiễm Covid-19 có triệu chứng nặng, lại có nhiều bệnh lý nền nên được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 1. Trải qua 21 ngày điều trị tại Phòng Hồi sức tích cực – Chống độc, ông K. đã khỏi bệnh và xuất viện. Về nhà gần 15 ngày, sức khỏe ông K. không còn như trước. Ông thường xuyên mệt mỏi, khó thở, mất ngủ. Gia đình phải động viên tinh thần, kết hợp với bổ sung dinh dưỡng liên tục, ông K. mới đỡ một phần.



Điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.



Theo các chuyên gia y tế, đi cùng với gánh nặng điều trị các ca nhiễm, ngành Y tế còn phải đối mặt với thực trạng một số người đã được điều trị khỏi vẫn có các triệu chứng Covid-19 kéo dài sau khi xuất viện. Họ được coi là mắc phải hội chứng “hậu Covid-19” hoặc “Covid kéo dài”. Các triệu chứng phổ biến thường gặp là mệt mỏi, khó thở, lo lắng, trầm cảm, suy giảm khả năng chú ý, tập trung, giảm trí nhớ, mất ngủ, giảm khứu giác, vị giác… làm chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. Đặc biệt, những bệnh nhân Covid-19 nặng đã điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực, sau khi xuất viện thường gặp tình trạng kiệt sức, kèm theo suy giảm khả năng chú ý cùng với rối loạn căng thẳng sau sang chấn.


Bác sĩ Nguyễn Đông – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh chia sẻ, nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi song không phải ai cũng hoàn toàn khỏe mạnh và ổn định tâm lý sau khi xuất viện. Có người rơi vào trầm cảm, căng thẳng, nhất là những F0 lớn tuổi, từng nguy kịch, phải thở máy, họ vẫn còn di chứng phổi, nên rất cần được theo dõi sức khỏe sau khi xuất viện.


Theo các chuyên gia y tế, cơ chế sinh bệnh của vấn đề này chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có liên quan đến cơ chế gây bệnh của vi rút và hệ miễn dịch của cơ thể.

Cần kiên trì tập thể dục



Theo Báo Guardian (Anh) dẫn kết quả một nghiên cứu trên tạp chí y khoa Plos cho biết, khoảng 25% bệnh nhân Covid-19 ghi nhận những triệu chứng kéo dài của bệnh sau khi đã được điều trị khỏi bệnh.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, để tránh mắc các bệnh lý “hậu Covid-19”, bệnh nhân Covid-19 sau khi điều trị khỏi bệnh về nhà, nên tập thể dục nhẹ nhàng, tập dưỡng sinh, hạn chế làm việc nặng mà nên làm việc nhẹ tăng dần cường độ, giúp giải tỏa căng thẳng. Bên cạnh đó, người bệnh không nên sống một mình hoặc tự cô lập với mọi người trong nhà, cần có sự chia sẻ, cảm thông của gia đình, cộng đồng đối với người bệnh.


Đi cùng với đó, người bệnh cần tránh những thức ăn khó tiêu, nhiều mỡ, nhiều chất béo, không nên ăn sau 19 giờ. Ngoài ra cần hạn chế dùng trà, cà phê về đêm, nên ăn nhiều rau quả, trái cây, nước mát và uống đủ 1,5 – 2 lít nước trong ngày. Thay đổi món ăn thường xuyên, chế biến thức ăn hấp dẫn tạo mùi thơm thay đổi kích thích vị giác, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày. Đồng thời, cần thực hiện kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 nhằm đánh giá chức năng và chẩn đoán bệnh lý liên quan đến phổi, gan, thận, tim mạch, tình trạng viêm và đông máu, sức khỏe tâm thần… để từ đó có phương pháp điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe hiện tại và dự phòng các nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai. “Nếu phát hiện những triệu chứng trên hoặc thấy sức khỏe không ổn sau khi đã điều trị hết bệnh Covid-19, bệnh nhân nên sớm đến bệnh viện để kiểm tra nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ có thể xảy ra”, bác sĩ Toàn khuyến cáo.


C.Đan

 

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202110/can-than-voi-benh-ly-hau-covid-19-8233034/