Để chủ động phòng tránh thiên tai, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ thực hiện đề án xây dựng cột mốc báo lũ trên địa bàn tỉnh. Ông Võ Anh Kiệt – Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ cho biết:

– Hàng năm, trên các sông trong tỉnh thường xuất hiện từ 3 đến 4 trận lũ, trong đó có 1 – 2 trận gây thiệt hại to lớn về người và tài sản. Cụ thể là các trận lũ năm 2009, 2010, 2016. Đỉnh lũ các năm này trên các sông đạt trên báo động 3 từ 0,16 đến 0,7m, gây ngập lụt diện rộng, làm thiệt hại to lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Với tình hình đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống cột mốc báo lũ tại các vùng ngập lụt trọng điểm, giúp chính quyền và người dân nhận biết được cường độ, hậu quả của lũ lụt, từ đó chủ động phòng tránh.

– Thưa ông, kết quả của việc xây dựng cột mốc báo lũ đến nay thế nào?

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

– Cột mốc báo lũ thường đặt tại nơi trọng điểm ngập lụt, khu vực đông dân cư và những nơi quan trọng như: di tích lịch sử, chợ, trường học… Tính đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 77 cột mốc báo lũ trên địa bàn các xã, phường thường xuyên bị ngập lụt thuộc huyện Vạn Ninh (4 mốc), thị xã Ninh Hòa (19 mốc), huyện Diên Khánh (19 mốc), Cam Lâm (4 mốc), Khánh Sơn (5 mốc), TP. Cam Ranh (12 mốc) và TP. Nha Trang (9 mốc).

Các cột mốc báo lũ hiện nay được bố trí khá hợp lý ở những khu vực xung yếu, có nguy cơ bị lũ đe dọa thường xuyên. Trên các mốc báo lũ có chia vạch xác định chiều cao và ghi nhận các mức lũ lớn đã xảy ra trong những năm qua để cảnh báo cho người dân hiện nay và các thế hệ mai sau về lịch sử ngập lụt tại địa phương, giúp chính quyền và người dân chủ động ứng phó phù hợp. Ngoài ra, cột mốc báo lũ có thể sử dụng để phục vụ cho việc xây dựng công trình nhà cửa, đường sá, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, quản lý quy hoạch, sử dụng đất…

– Thưa ông, việc xây dựng cột mốc báo lũ hiện nay còn gặp những khó khăn gì và ông có khuyến cáo gì về việc này?

– Do hạn chế về kinh phí nên hiện nay, số lượng cột mốc báo lũ còn ít so với nhu cầu, tỉnh cần tăng cường hơn nữa. Mặt khác, nhiều cột mốc sử dụng khá lâu có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, một số nơi do địa hình thay đổi. Vì vậy, ngành Khí tượng thủy văn và các cấp chính quyền cần kiểm tra, đánh giá thường xuyên, bổ sung và di chuyển cột mốc cho phù hợp. Ngoài ra, các cấp chính quyền cần giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả cột mốc cảnh báo lũ để công tác ứng phó với thiên tai đạt hiệu quả cao.

– Xin cảm ơn ông!

V.L (Thực hiện)

Theo: Báo Khánh Hòa