Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cần sớm trục vớt lồng bè, tàu chìm trên biển

Hiện nay, các ngành chức năng của huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) thực hiện khảo sát và lên phương án để trục vớt lồng bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) và tàu thuyền bị cơn bão số 12 đánh chìm trên biển vịnh Vân Phong.

Ngổn ngang lồng bè, tàu thuyền bị chìm

Có mặt tại một số khu vực trên biển vịnh Vân Phong như: Vũng Ké, Mũi Gành Rồng, Hòn Đen, Hòn Me, Hòn Dung, Hòn Vung… (huyện Vạn Ninh), chúng tôi được biết lồng bè NTTS của người dân bị cơn bão số 12 đánh chìm vẫn chưa được trục vớt. Mặc dù trong vòng 1 tháng sau bão, người NTTS đã đổ xô ra các vùng nuôi để tháo dỡ lồng bè bị sóng biển cuốn gom lại thành đống nhưng vẫn không thể hết được. Ông Lê Văn Khánh (thị trấn Vạn Giã) nuôi tôm hùm ở gần khu vực Vũng Ké cho biết: “Nhiều ngày qua, gia đình tôi đã thuê thợ lặn ra vùng nuôi để trục vớt lồng bè nhằm tận dụng các thanh gỗ, phuy nhựa, lưới để làm lại bè nuôi mới nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Tại đây, không chỉ có lồng bè của gia đình mà còn có hàng trăm lồng bè của những hộ khác bị sóng biển cuốn gom lại thành đống. Lưới làm lồng nuôi mắc chằng chịt vào các thanh gỗ bị gãy rất khó tháo dỡ. Các phuy nhựa bị thủng, vỡ kéo chìm rất nhiều lồng, bè xuống đáy biển”.

Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần 2 năm 2017, diễn ra vào ngày 30-11, ông Lê Thế Cường – Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Ngọc trai Sài Gòn (huyện Vạn Ninh) cho biết, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nuôi trai lấy ngọc trên vịnh Vân Phong có tổng diện tích cấp phép hơn 90ha. Đợt bão số 12, toàn bộ vật nuôi của đơn vị thất thoát gần hết, tổng thiệt hại hơn 80 tỷ đồng. Sau bão, đơn vị rất muốn nhanh chóng khôi phục lại vùng nuôi nhưng không thể, do hiện nay còn rất nhiều lồng bè của người dân trôi dạt vào vùng nước của công ty rồi chìm xuống biển. Thời gian qua, đơn vị đã lên phương án trục vớt nhưng đều bất thành do số lượng lồng bè quá nhiều. Trong khi đó, công ty không đủ nhân lực để trục vớt. Bên cạnh đó, một số lồng bè nuôi tôm, cá của người dân trôi dạt vào vùng nước của công ty nhưng lại không kéo đi nơi khác mà ở lại xâm chiếm làm nơi nuôi trồng. Công ty đã nhờ chính quyền và bộ đội biên phòng vận động người dân di dời nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Không chỉ vậy, công ty còn 19 chiếc tàu thuyền dưới 90CV bị bão đánh chìm. Đến nay, đơn vị mới trục vớt được 14 chiếc. Công ty rất mong các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp đỡ đơn vị trong việc trục vớt tàu thuyền của đơn vị, lồng bè NTTS của người dân và yêu cầu các hộ di dời lồng nuôi đi nơi khác”, ông Cường nói.    

Lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân bị sóng biển đánh hư hỏng, ngổn ngang trên vùng biển vịnh Vân Phong

Đang lên phương án trục vớt

Theo báo cáo của UBND huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 13.416 lồng bè nuôi tôm hùm và 3.114 lồng bè nuôi các loại cá đã bị cơn bão số 12 đánh chìm, cuốn trôi, hư hỏng; 868 chiếc tàu thuyền bị bão đánh chìm, mất tích, hư hỏng. Hiện nay, vẫn còn nhiều lồng bè NTTS và tàu thuyền bị chìm chưa được trục vớt.

Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần 2, đồng chí Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo, UBND huyện Vạn Ninh cần khẩn trương tổng hợp tình hình thiệt hại của Công ty TNHH Ngọc trai Sài Gòn và tình hình trôi dạt lồng bè của người dân. Từ đó, lên phương án xử lý và báo cáo cho UBND tỉnh trước ngày 10-12. Trong quá trình xử lý, trục vớt lồng bè, tàu thuyền, vấn đề nào vượt thẩm quyền, khả năng của huyện thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để hỗ trợ lực lượng, phương tiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Kim Bảo – Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, địa phương đã yêu cầu phòng Kinh tế, UBND xã Vạn Thạnh phối hợp với Công ty TNHH Ngọc trai Sài Gòn khảo sát những khu vực có lồng bè, tàu thuyền bị chìm. Từ thực tế khảo sát, địa phương đang lên phương án để trục vớt trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ, phạm vi rất khó do lượng lồng bè, tàu thuyền này còn nằm sâu dưới biển. Trong khi đó, huyện không đủ nhân lực, thiết bị lặn để khảo sát cụ thể, có khả năng phải thuê đơn vị chuyên môn để thực hiện trục vớt.  

Với khoảng 10 hộ đang NTTS trong khu vực được cấp phép cho Công ty TNHH Ngọc trai Sài Gòn, địa phương đang vận động, hỗ trợ người dân di dời. Đồng thời, thông báo rõ đến những hộ nuôi trồng khác không được vi phạm, lấn chiếm vùng nuôi của doanh nghiệp. Nếu trong trường hợp các hộ không chịu di dời lồng bè, địa phương sẽ cưỡng chế.  

PHÚ VINH

Theo: Báo Khánh Hòa