Hiện nay, các hoạt động trong Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà được siết chặt, người và phương tiện ra vào được giám sát nghiêm ngặt. Người dân mong muốn lực lượng quản lý khu bảo tồn nới lỏng quy định để thuận tiện việc sản xuất.
Người dân muốn nới lỏng quy định
Đường lên Hòn Bà mùa này trời se lạnh. Trong lãng đãng sương bụi, lâu lâu chúng tôi lại gặp những chiếc xe máy ì ạch chở vài gùi chuối xuống núi, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng xe cơ giới. Hỏi ra mới biết các phương tiện cơ giới đã bị cấm lên Hòn Bà.
Ông Cao Văn Dũng (thôn Suối Lau 3, xã Suối Cát) cho biết: “Khoảng 2 năm gần đây, kiểm lâm làm gắt lắm. Không phải xe muốn vào khi nào cũng được đâu. Nhà tôi có rẫy trong khu vực này, mỗi khi cần đưa xe ô tô vào chở nông sản đi tiêu thụ phải xin phép trước. Bây giờ tôi lo nhất là gần 2ha keo chuẩn bị khai thác nằm ngay khu vực triền đồi. Cán bộ không cho máy ủi vào mở đường thì không cách nào đưa keo xuống được. Thuê người vận chuyển thủ công xuống đường nhựa thì bán cả rẫy keo cũng không đủ tiền công”.
Tìm hiểu kỹ hơn, được biết, bên trong KBTTN Hòn Bà có rất nhiều hộ ở xã Suối Cát đã vào đây canh tác từ lâu, đặc biệt ở vùng đệm. Tình trạng da beo, xâm lấn đất ở Hòn Bà đã tồn tại một thời gian dài. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, trong khu bảo tồn có khoảng 168 hộ canh tác, sản xuất với tổng diện tích 464,79ha xen lẫn trong khu vực bảo tồn. Các hộ chủ yếu trồng điều, chuối và keo. Chính sự xen lấn này đã và đang gây không ít khó khăn trong công tác bảo vệ rừng cũng như sự đa dạng sinh học trên vùng đất được mệnh danh là “tiểu Đà Lạt”. Vì thế, khi Ban quản lý KBTTN Hòn Bà siết chặt quản lý, người dân gặp nhiều trở ngại, xung đột về lợi ích bắt đầu xuất hiện. Chỉ tay về phía rẫy keo ở sát chân núi, ông Nguyễn Đi (thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát) phân trần: “Tôi làm ở đây từ năm 1993, trước khi khu bảo tồn này thành lập trên chục năm. Thời gian gần đây, các quy định nghiêm ngặt quá, gây khó khăn cho người dân trong việc sản xuất. Nhà nước cần nghiên cứu làm sao để tạo điều kiện, nới lỏng quy định cho chúng tôi đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất, khai thác nông sản, chứ làm kiểu này sẽ xung đột lợi ích với người dân”.
Không nghiêm không còn rừng
Đó là câu trả lời của ông Đỗ Anh Thy – Giám đốc Ban quản lý KBTTN Hòn Bà khi chúng tôi đề cập đến kiến nghị của người dân về việc cho phép đưa xe cơ giới vào Hòn Bà để phục vụ sản xuất. “Việc cấm các phương tiện cơ giới vào khu bảo tồn là quy định chung. Ban quản lý KBTTN không thể giải quyết nguyện vọng này của người dân. Đây thuộc thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh”.
Dẫn chúng tôi đi dọc suối Đá Giăng, ông Thy trần tình về những nguy cơ sạt lở đất, mất rừng nếu cho xe cơ giới vào khu bảo tồn. Chỉ tay về những vạt đồi đã trơ trụi bên kia suối, thuộc địa phận xã Sơn Tân, ông Thy cho biết: “Chỉ cách khu bảo tồn một con suối, đất rừng thuộc sự quản lý của cấp xã nhưng vì người dân được phép đưa xe cơ giới lên để mở đường sản xuất nên bây giờ trơ trọi. Thử hỏi, KBTTN mà cũng để cho xe cơ giới vào thì chúng tôi làm sao giữ rừng? Có đường vào là nguy cơ mất rừng rất cao”. Theo vị giám đốc này, thực ra, Ban quản lý khu bảo tồn cũng đã tạo điều kiện rất nhiều cho người dân. Khi người dân thu hoạch nông sản, cơ quan chức năng vẫn linh động giải quyết trong phạm vi cho phép để người dân thuận lợi trong sản xuất.
Cùng quan điểm này, ông Lê Kim Hoàn Vũ – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòn Bà khẳng định, cần phải thực hiện theo đúng quy định. Bởi, để bảo vệ được 19.285ha ở khu bảo tồn là không dễ dàng. Cả Hạt Kiểm lâm Hòn Bà chỉ có 30 cán bộ, nhân viên nhưng phải quản lý một địa bàn quá rộng lớn. Bên cạnh công tác tuần tra, lực lượng kiểm lâm còn phải thực hiện tốt việc tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng cho người dân. “Hạt kiểm lâm cũng nhận được một số đề nghị xin được mở đường để vào khai thác keo, nhưng chúng tôi không thể giải quyết. Cho mở đường sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm lâm. Bình thường để có thể bảo vệ được rừng, anh em đã rất vất vả, bây giờ mà cho xe cơ giới vào, rồi mở đường, tuy là trên đất của dân nhưng như vậy cũng sẽ không giữ được rừng”, ông Vũ cho biết.
Cần giải pháp lâu dài
Đồng chí Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh: Căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 157 ngày 11-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, việc đưa trái phép vào rừng các phương tiện, công cụ cơ giới sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, đề nghị người dân báo cáo với Ban quản lý KBTTN Hòn Bà về việc này và chỉ đưa phương tiện, công cụ cơ bản để sản xuất vào phần đất của người dân trong khu bảo tồn. UBND tỉnh sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ban quản lý KBTTN Hòn Bà theo dõi, thực hiện nội dung trên để đảm bảo người dân có công cụ cơ bản để sản xuất trên diện tích đất của mình.
KBTTN Hòn Bà có tổng diện tích hơn 19.285ha (trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 9.519ha, phân khu phục hồi sinh thái hơn 9.553ha, phân khu dịch vụ – hành chính hơn 213ha), trải dài trên địa bàn 4 huyện gồm: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh và Khánh Sơn. Đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, có tiềm năng lớn về nghiên cứu khoa học, phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái.
|
Câu chuyện xung đột lợi ích ở KBTTN Hòn Bà không phải là câu chuyện mới. Rất nhiều KBTTN khác trong cả nước cũng từng gặp phải. Tuy nhiên, nếu không tìm cách tháo gỡ, người dân không sản xuất được thì KBTTN lại bị đặt vào một nguy cơ khác khi người dân phá rừng mưu sinh. Ông Lương Đức Huệ – Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết: “Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri của xã cũng đã phản ánh về vấn đề này. Người dân mong muốn được đưa xe cơ giới vào khu bảo tồn để thu hoạch nông, lâm sản. Xem xét một cách thấu đáo thì đây cũng là nguyện vọng chính đáng, song với đất rừng bình thường thì được, chứ đây là khu bảo tồn nên có những quy định ngặt nghèo hơn. Nếu có thể được, các cấp nên xem xét để đảm bảo lợi ích của người dân. Theo tôi, kết hợp tuyên truyền, giáo dục với phát triển kinh tế rừng cho người dân là cách giữ rừng tốt nhất”. Ông Huệ mong mỏi, các cấp sẽ sớm có những giải pháp để hài hòa lợi ích giữa người dân và cơ quan quản lý. Đồng thời, về lâu dài cần có những giải pháp căn cơ để bảo vệ rừng cũng như sự đa dạng sinh học ở Hòn Bà một cách bền vững.
Ông Đỗ Anh Thy đề nghị, cần có chính sách hỗ trợ để người dân di dời khu vực sản xuất ra khỏi khu bảo tồn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quy hoạch một khu sản xuất tập trung để người dân vừa có đất sản xuất, KBTTN cũng được an toàn.
Đ.Lâm – Nhân Tâm
Theo: Báo Khánh Hòa