Năm nay, Liên hiệp quốc chọn chủ đề ngày Nước thế giới (22-3) là “Nước và thiên nhiên”. Ông Hoàng Anh Hào – Trưởng phòng Nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết:
– Chủ đề của ngày Nước thế giới năm nay nhằm hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của xã hội trong việc áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên để giải quyết, ứng phó kịp thời với những thách thức về nguồn nước và biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.
– Hiện nay, tài nguyên nước đang bị suy giảm. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
– Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm tài nguyên nước, đặc biệt là sự gia tăng dân số kéo theo gia tăng về nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, tác động của con người đến môi trường tự nhiên như: chặt phá rừng bừa bãi, canh tác không hợp lý và xả thải vào thủy vực đã gây nguy cơ thiếu nước sạch trầm trọng. Thứ hai, kết cấu hạ tầng khai thác, sử dụng nước xuống cấp và tình trạng sử dụng nước lãng phí, thiếu hiệu quả. Ở nhiều hệ thống cấp nước đô thị, lượng nước thất thoát lên đến 40-50%; khả năng cấp nước theo thiết kế của các hệ thống thủy lợi cũng đang suy giảm. Nhiều công trình không chú ý đến nhu cầu bảo đảm dòng chảy cho hạ lưu đã dẫn đến tình trạng suy thoái dòng chảy, tăng xâm nhập mặn cho hạ lưu. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế khiến cho tài nguyên nước đang chịu những áp lực ngày càng lớn làm phát sinh những mâu thuẫn trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước… Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước hiệu quả, đồng thời có giải pháp tái sử dụng nước để bảo đảm hài hòa bền vững tài nguyên nước và cân bằng với tự nhiên.
– Xin ông cho biết những thách thức và giải pháp bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh hiện nay?
– Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh được khai thác, sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội được cung cấp từ nguồn nước mặt và nước dưới đất. Nước mặt chủ yếu được lấy từ nguồn nước mặt của các sông, suối trên địa bàn và khoảng 27 hồ chứa lớn, nhỏ. Nước dưới đất chủ yếu khai thác tầng chứa nước Đệ tứ và tầng chứa nước Holocen. Nước ở Khánh Hòa không nhiều, dễ bị tổn thương (cạn kiệt, ô nhiễm) và không có dự trữ.
Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa thay đổi thất thường, hạn hán, nhiễm mặn, thiếu nước có xu hướng tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương. Hiện tượng khô hạn kéo dài đã không còn xa lạ đối với nhiều vùng trên cả nước và trong tỉnh. Sự thiếu nước cục bộ đã xuất hiện ở một số nơi như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh…
Để bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh, cần kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân có những hành động và việc làm cụ thể để quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường bền vững. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất để góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và cuộc sống của mỗi người. Tỉnh cũng đề ra các giải pháp để bảo vệ nguồn nước như: kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp các công trình thủy lợi và bảo đảm an toàn hồ chứa; chương trình, dự án về cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường. Hiện nay, 94% dân số trong tỉnh được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh và hướng tới cấp nước sạch đạt chuẩn của Bộ Y tế.
– Xin cảm ơn ông!
P. LÂM (Thực hiện)
Theo: Báo Khánh Hòa