Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cần có định mức hỗ trợ tàu cá thiệt hại do thiên tai

Tuy Chính phủ đã có quy định về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro thiên tai trên biển nhưng chính sách này còn chung chung. Chính vì thế, ngư dân rất cần có mức hỗ trợ cụ thể. 

Lúng túng kinh phí hỗ trợ

Những năm qua, Khánh Hòa không bị ảnh hưởng nhiều của bão song vào mùa mưa, những cơn gió to, sóng lớn cũng đã gây thiệt hại tài sản của ngư dân. Ông Phạm Ngọc Vượng (Tổ 33 Sơn Hải, phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) cho biết: “Mùa mưa bão năm 2013, ghe của ông đang neo tại Hòn Đỏ thì bị sóng đánh chìm, buộc gia đình phải thuê người trục vớt. Chi phí để đưa được ghe lên bờ cũng cả triệu đồng. Nếu Nhà nước có chính sách cụ thể hỗ trợ tàu đắm, tàu chìm do thiên tai thì người dân rất hoan nghênh”. 

Phường Vĩnh Thọ có 130 tàu cá. Trong đó, tàu công suất từ 90CV trở lên là 60 chiếc, dưới 90CV là 70 chiếc. Vào mùa mưa bão, tuy tàu cá neo trong sông nhưng cũng bị chìm, đắm do sóng to, gió lớn. Chính quyền địa phương không có kinh phí hỗ trợ ngư dân khắc phục thiệt hại, nên đã đề xuất và được thành phố hỗ trợ mỗi trường hợp khoảng 1 triệu đồng. “Số tiền đó chỉ mang tính tượng trưng, động viên là chính để ngư dân vơi bớt khó khăn, chứ nhiều trường hợp chỉ như muối bỏ bể. Nếu được Nhà nước hỗ trợ ở mức 30% giá trị tài sản tàu hỏng thì người dân rất mừng”, ông Nguyễn Văn Tính – Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ nói. 

Tàu cá neo đậu tại cảng Hòn Rớ.

Ông Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước (Nha Trang) cho biết, hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể mức hỗ trợ tàu thuyền bị hỏng, bị đắm do thiên tai. Trước mắt, chính quyền địa phương hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp, còn thành phố hỗ trợ bao nhiêu thì làm danh sách đề nghị sau. Ngoài ra, phường còn tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có thêm vốn sửa chữa, nâng cấp tàu cá để nhanh ra khơi. 

Theo ông Đào Thanh Tùng – Trưởng phòng Kinh tế TP. Nha Trang, hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2229/QĐ-UBND (4-8-2017) quy định mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục vùng sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; song đối với tàu cá thì chưa có quy định cụ thể. TP. Nha Trang đã kiến nghị tỉnh nhiều lần nhưng chưa được xem xét. Vì thế, thành phố phải áp dụng mức hỗ trợ cho các trường hợp từ 1 đến 2 triệu đồng (ghe mũi nhọn 1 triệu đồng/ghe; tàu có công suất nhỏ 1,5 triệu đồng; ca nô 2 triệu đồng). Vừa qua, UBND TP. Nha Trang tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể cho tàu thuyền bị chìm do thiên tai với 5 mức như sau: tàu cá dưới 20CV 5 triệu đồng/chiếc; từ 20 đến dưới 90CV 10 triệu đồng/chiếc; 90 – dưới 250CV 20 triệu đồng/chiếc; 250 – dưới 400CV 30 triệu đồng/chiếc và từ 400CV trở lên 40 triệu đồng/chiếc.

Kiến nghị Trung ương ban hành

Đến nay, vấn đề khắc phục thiệt hại thiên tai cho tàu cá, Chính phủ chỉ có Quyết định 118/2007 về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển. Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ phương tiện đưa về nơi cư trú hay chi phí vận chuyển cấp cứu thuyền viên thì thiệt hại về tài sản chưa có quy định cụ thể. 

Ông Lê Xuân Thái – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, hiện nay, các địa phương đang kiến nghị tỉnh có văn bản quy định cụ thể mức hỗ trợ cho tàu cá bị thiệt hại do thiên tai. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Trung ương về vấn đề này. 

Liên quan đến bảo hiểm tàu cá, ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho hay, việc hỗ trợ tàu cá bị nạn là điều đáng làm và cần quy định mức hỗ trợ cụ thể. Hiện nay, nhóm khó khăn rơi vào tàu cá dưới 90CV, bởi tàu cá công suất từ 90CV trở lên (tàu đánh bắt xa bờ) Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho thuyền viên và thân tàu (70 – 90%). “Nếu kiến nghị Trung ương hỗ trợ mua bảo hiểm cho nhóm tàu dưới 90CV thì ngân sách nhà nước không thể kham nổi, chưa nói đến chuyện hỗ trợ rồi nhưng ngư dân không mua thì chưa biết xử lý thế nào”, ông Én nói.

Quang Viên

Theo: Báo Khánh Hòa