Khoảng 10 ngày qua, tôm hùm xanh nuôi trên vịnh Cam Ranh liên tục chết do dịch bệnh; giá loại tôm này cũng đang thấp nhất từ trước đến nay. Những điều này khiến người nuôi lo lắng, các vùng nuôi trở nên ảm đạm.
Tôm chết liên tục
Vừa cập bờ, ông Nguyễn Thành Được (phường Cam Linh) mang hơn chục con tôm đã nuôi được 6 – 7 tháng đi thẳng đến điểm thu mua tôm tại tổ dân phố Đá Bạc để bán nhằm gỡ gạc ít vốn. “Gia đình tôi thả nuôi 4.000 con tôm hùm xanh, qua đợt bệnh cách đây 3 tháng đã hao mất 30% số tôm nuôi; hơn 10 ngày qua, tôm lại chết liên tục, tỷ lệ hao hụt đến nay đã hơn 50%. Cứ đà này không biết còn được mấy con trong lồng”, ông Được buồn rầu nói.
Sáng nào ông Lê Dương (phường Cam Linh) cũng ra bè thật sớm, việc đầu tiên ông làm là lặn kiểm tra tôm. Trong vòng 10 ngày nay, tôm nuôi kém ăn, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang trắng đục (bệnh sữa), một số thì bị đen mang, ông đã làm đủ cách để điều trị nhưng tình trạng tôm chết vẫn kéo dài. Theo ông Dương, từ đầu năm đến nay, tôm hùm nuôi trên vịnh Cam Ranh đã bị 2 đợt chết nhiều, trong đó 1 đợt cách đây chừng 3 tháng và đợt này. Hộ nào hao hụt ít thì mất khoảng 30 – 40%, hộ nhiều lên đến 60 – 70%.
Hiện nay, trong vịnh Cam Ranh có đến 50.000 lồng nuôi thủy sản, trong đó 90% là tôm hùm xanh. Không riêng gì địa bàn phường Cam Linh mà ở các vùng nuôi khác cũng xuất hiện tình trạng tôm chết liên miên do dịch bệnh. Người dân và ngành chức năng các địa phương ven biển trên địa bàn đều xác định, diễn biến thời tiết thất thường, vùng nuôi chen chúc, ô nhiễm đang khiến cho nguy cơ bệnh trên tôm nuôi quay trở lại, chủ yếu là bệnh sữa và đen mang.
Nắng nóng gay gắt cùng với diễn biến bất lợi của các yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thủy sản nuôi. Cơ quan chức năng khuyến cáo, đối với các vùng nuôi có mật độ vi khuẩn Vibrio cao, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi cho nước thông thoáng, tránh hiện tượng hầu, hà, rong rêu làm bít lỗ lưới; thường xuyên theo dõi tôm; san thưa mật độ tôm; tách riêng những cá thể yếu, bệnh; chú ý kiểm tra sự phân tầng nước (nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan) để điều chỉnh lồng nuôi cho phù hợp. Người nuôi cần chú ý che phủ lồng bằng lưới lan, tránh ánh nắng quá gay gắt ảnh hưởng tới sức khỏe tôm hùm nuôi. Phòng bệnh cho tôm nuôi bằng cách sử dụng thức ăn tươi sống, sát trùng bằng thuốc tím; thu gom chất thải, rác thải, thức ăn thừa, vỏ tôm lột và xử lý theo quy định; bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất vào thức ăn cho tôm nhằm cải thiện sức khỏe, giúp tôm chống chọi được với điều kiện thời tiết bất lợi.
Giá thấp kỷ lục
Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung, trong tháng 7, một số khu vực nuôi tôm hùm lồng trên địa bàn tỉnh, trong đó có Cam Ranh có các chỉ tiêu môi trường vượt giới hạn cho phép như: nhiệt độ nước dao động từ 30,8 đến 31,2oC và có xu hướng tiếp tục tăng do nắng nóng kéo dài; mật độ Vibrio vượt ngưỡng giới hạn cho phép. |
Theo bà Nguyễn Thị Châu Pha – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh, chưa bao giờ người nuôi tôm địa phương lại đối diện với tình cảnh khó khăn như bây giờ, một phần thì tôm chết, giá giảm sâu, trong khi chi phí thức ăn tăng cao. Hiện nay, giá tôm hùm xanh chỉ còn 580.000 đồng/kg, giảm 60 – 70% so với cùng thời điểm này năm trước. Do đó, các hộ khi thu hoạch tôm đều rơi vào cảnh thua lỗ, hộ nuôi vài lồng thì lỗ 20 – 30 triệu đồng, có hộ thua lỗ đến hàng trăm triệu đồng.
Với những người trực tiếp nuôi tôm hùm xanh, họ không hiểu được vì sao giá tôm hùm lại thấp như vậy. “Tôm hùm xanh bị yếu, mới bắt vô bán cho đầu nậu cũng có giá 480.000 đồng/kg mà tôm sống chỉ cao hơn 100.000 đồng/kg. Với giá tôm hiện tại, mỗi lồng nuôi 400 – 500 con, sau khi trừ chi phí, số tôm hao hụt, người nuôi từ hòa đến lỗ vốn. Người nuôi chỉ biết bán cho thương lái, họ hô giá bao nhiêu thì biết bấy nhiêu chứ thị trường tiêu thụ mình không nắm rõ”, ông Được nói.
Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, 5 năm qua, chưa bao giờ giá tôm hùm lại giảm sâu như năm nay. Nguyên nhân là trước đây tôm hùm chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, hiện nay đường xuất khẩu tiểu ngạch bị thắt chặt, tôm hùm muốn vào thị trường này phải theo đường chính ngạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kiểm soát gắt gao quá trình nuôi… Muốn xuất khẩu theo đường chính ngạch thì nông dân phải thay đổi tập quán nuôi, tuân thủ quy hoạch, có khai báo theo quy định. Hiện nay, không riêng gì tôm hùm mà các đối tượng nuôi khác cũng phải đảm bảo yêu cầu tương tự.
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa