Qua rà soát, cơ quan chức năng phát hiện Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Cam Ranh bị chồng lấn vào vùng biển thuộc quyền quản lý, sử dụng của Vùng 4 Hải quân và một số đơn vị khác. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến tiến độ di dời lồng bè vào vùng quy hoạch.
Quy hoạch vội vàng
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, triển khai Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của UBND tỉnh, phòng đã chỉ đạo các địa phương thông báo đến tổ chức và cá nhân NTTS đăng ký số lượng, diện tích lồng bè trong vùng quy hoạch… UBND TP. Cam Ranh cũng đã làm việc với Viện Hải dương học để cắm mốc, định vị chi tiết vùng quy hoạch và lộ trình thực hiện việc di dời lồng bè đến vùng quy hoạch.
Trong quá trình này, đơn vị tư vấn và cơ quan chức năng phát hiện vùng quy hoạch mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đưa ra có khu vực bị chồng lấn. Cụ thể, tại phía bắc đảo Bình Ba (xã Cam Bình) có một phần diện tích chồng lấn với khu vực trường bắn Bình Ba được giao cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân quản lý từ năm 2001. Trong quá trình lập quy hoạch 500ha NTTS lồng bè tại phía tây xã Cam Lập, đơn vị tư vấn chưa khảo sát cụ thể điều kiện môi trường, thủy văn đã đề xuất đối tượng nuôi chủ lực là tôm hùm. Trong khi đó, người dân các địa phương ven biển lại không tán thành do khu vực này có mực nước cạn, gần cửa sông. Vào mùa mưa, nước ngọt từ thượng nguồn chảy xuống sẽ làm giảm độ mặn, ảnh hưởng đến môi trường sống của tôm hùm, làm giảm khả năng bắt mồi và lột xác của tôm. Nếu độ mặn giảm còn 20 – 25‰ và kéo dài từ 3 đến 5 ngày thì sẽ khiến tôm hùm con bị chết.
Ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, sau khi phát hiện bất cập, Sở NN-PTNT đã đưa ra quy hoạch dự kiến, nhưng vẫn xảy ra tình trạng chồng lấn. Mới đây, đại diện Cảng vụ hàng hải Nha Trang tại Cam Ranh xác nhận vùng quy hoạch NTTS ở phía tây xã Cam Lập chồng lấn tuyến luồng tàu ra vào của cảng Hóa An và khu neo đậu tàu thuyền của cảng Cam Ranh dự kiến mở rộng. Tại khu quy hoạch B1 và B2 phía đông xã Cam Lập bị chồng lên khu neo đậu tàu thuyền của Tân cảng Cam Ranh. Ông Hải cho rằng, quy hoạch mà Sở NN-PTNT thực hiện còn vội vàng, chưa khảo sát kỹ dẫn đến nhiều bất cập.
Tiếp tục chờ
Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, để thực hiện quy hoạch cần hơn 30,7 tỷ đồng, trong đó 14,3 tỷ đồng thực hiện cắm mốc, thả phao định vị; 1,5 tỷ đồng khảo sát, lập phương án; gần 15 tỷ đồng hỗ trợ di dời lồng bè hiện hữu đến vùng quy hoạch. Hiện nay, thành phố đã làm tờ trình xin UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí. |
Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, với những bất cập nêu trên, thành phố đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh; đồng thời, đề nghị điều chỉnh quy hoạch để khắc phục tình trạng chồng lấn với vùng biển của các đơn vị đã được cấp phép. Khi điều chỉnh quy hoạch, đề nghị Sở NN-PTNT làm việc với các ngành liên quan của thành phố, xã Cam Bình và xã Cam Lập để có điều chỉnh quy hoạch phù hợp.
Ông Hải cho rằng, với tiến độ như hiện nay, còn rất lâu nữa mới có thể di dời lồng bè vào vùng quy hoạch. Hiện nay, tình trạng NTTS tự phát diễn ra rất phức tạp. Thống kê sơ bộ, toàn thành phố hiện có 52.000 lồng bè, trong đó có hơn 42.000 lồng nuôi tôm hùm. Ngoài người dân địa phương, còn có rất nhiều người từ TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm đến nuôi với quy mô lớn. Việc này dẫn đến những hệ lụy, ô nhiễm môi trường, năng suất và chất lượng thủy sản không cao…
Ông Hải cho biết, khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt, Viện Hải dương học sẽ khảo sát nguồn nước, phân vùng đối tượng nuôi, cắm mốc vùng nuôi. Phòng Kinh tế sẽ rà soát lại tổng số lồng nuôi hiện có trên địa bàn; nếu số lượng lồng nuôi nhiều hơn quy hoạch thì ưu tiên số 1 là người ở địa phương, tiếp đến là người nuôi lâu năm; nếu vẫn không giải quyết được thì phải tính tỷ lệ phần trăm. Ví dụ, vùng quy hoạch chỉ giải quyết được 80% lồng bè hiện có, hộ nào có 100 lồng thì chỉ vào vùng quy hoạch 80 lồng. “Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là vùng nuôi theo quy hoạch mới sẽ rất xa, dẫn đến người dân tốn kém chi phí vận chuyển thức ăn, công chăm sóc, bảo vệ… Vì vậy, dự báo khi triển khai theo quy hoạch, các hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ bỏ, chỉ còn lại những hộ nuôi quy mô lớn”, ông Hải nhận định.
VĂN KỲ
Theo: Báo Khánh Hòa