Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cam Lâm: Lò đường thủ công xuất hiện

Biện pháp tình thế

Từ đường chính đi vào xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) dễ thấy bóng dáng của những lò đường thủ công, với cột ống khói vươn lên không trung. Ông Nguyễn Thành (thôn Triệu Hải) – quản lý một lò đường cho hay, lò hình thành khoảng một tháng nay nhằm giải quyết tình trạng mía chậm thu hoạch, nhất là khu vực mía hư, xấu, đổ ngã nhiều, xe vận chuyển của nhà máy không vào được. Việc dựng lò còn vì mục đích cải tạo đất trồng gấc và lấy thức ăn nuôi bò. Đây là biện pháp tình thế khi giá mía thấp, cây mía gặp bão đổ ngã, hư hại nặng, giảm chất lượng và sản lượng.

Lò đường thủ công hoạt động tại xã Cam An Nam.

Mỗi ngày, lò đường của ông Thành tiêu thụ khoảng 20 xe bò mía (tương đương 10 tấn mía cây) và làm ra khoảng 3 tấn đường mật. Với giá đường mật tại chỗ thu mua 5.500 – 5.700 đồng/kg, các lò kết tinh mua về và chế biến thành các loại đường cát, đường tán, đường đen hay gây dung dịch nuôi tảo bán với giá gấp đôi. Sau khi tính toán các khoản, lò đường cũng chỉ đem về cho ông 500.000 đồng/phuy đường mật (300kg). Tuy nhiên, với cách làm này, các lò đường thủ công, kể cả công đoạn kết tinh cũng chỉ gỡ gạc trong tình huống vụ mía thất bát.

Tại xã Cam An Nam, lò đường của ông Nguyễn Thanh Huy (thôn Vĩnh Trung) cũng đang triển khai sản xuất vụ mới. Ông Huy cho biết, ông đã dựng lò 2 vụ mía gần đây nhằm giải quyết tình trạng tiêu thụ mía gặp khó khi diện tích mía hư hỏng, đổ ngã tại Cam An Nam chiếm tới 1/3. Ông Huy thừa nhận lò thủ công không thể cạnh tranh với đường công nghiệp bởi công nghệ lạc hậu, hiệu suất thu hồi đường thấp. Tuy nhiên, nó giúp giải quyết tình trạng mía chậm tiêu thụ, giảm bớt chi phí vận chuyển tại các vùng mía mà giao thông không thuận lợi, mía còi cọc, giảm năng suất. Giá thu mua mía của ông Huy ngang bằng với giá thu mua của nhà máy nhưng khoảng cách gần nên thu hút nông dân bán mía.

Ông Hồ Văn Trung – Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc cho rằng, do nhà máy thu mua chậm, ưu tiên mua các vùng nguyên liệu xa trước (Ninh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk…) nên nông dân tự tính toán cân đối bán cho lò thủ công, giá chênh lệch không nhiều. Bên cạnh đó, việc thu mua mía hiện nay vẫn phụ thuộc vào thương lái. Do lo sợ mía cháy, mía khô, một số vùng khó tiếp cận, thương lái không thu mua khiến nông dân gặp khó khăn nên phải bán cho các lò thủ công.  

Không ảnh hưởng lớn

Ông Đỗ Thành Liêm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đường Việt Nam cho biết, hầu hết các lò đường thủ công chỉ sản xuất ra các sản phẩm chất lượng thấp, có thị phần nhỏ và không thể cạnh tranh với đường công nghiệp nên không thể duy trì lâu. Hiện nay, nhà máy thu mua mía cho nông dân không phân biệt vùng sâu, xa hay địa bàn khó, nhưng trước mắt vẫn ưu tiên cho vùng nguyên liệu lớn, thuận lợi. Giá thu mua của nhà máy 850.000 đồng/tấn, chi phí vận chuyển trả theo cung đường, chi hỗ trợ mía đổ ngã hơn 75%, trường hợp dưới 75% vẫn được hỗ trợ tương ứng nhưng với những diện tích hoàn thành hợp đồng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm, hiện nay, trên địa bàn huyện xuất hiện 3 lò đường thủ công, trong đó Cam An Bắc 2, Cam An Nam 1. Các lò đường này hoạt động tự phát, quy mô nhỏ nên không ảnh hưởng đến công nghiệp chế biến đường. UBND huyện đã chỉ đạo các xã vận động các hộ ngưng hoạt động lò thủ công. Đồng thời, giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm việc với Công ty Đường Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thu mua mía để người dân có thời gian cải tạo đồng ruộng, sản xuất niên vụ mới thuận lợi.

Một lãnh đạo Chi cục Thuế huyện Cam Lâm cho hay, hiện nay, ngành chưa nhận báo cáo nào về tình hình hoạt động của các lò đường thủ công trên địa bàn. Chi cục sẽ cử cán bộ kiểm tra, nếu hộ có đăng ký kinh doanh sẽ đề nghị kê khai nộp thuế theo quy định. Nếu hộ chưa đăng ký cơ quan thuế vẫn khảo sát, cơ quan quản lý thị trường kiểm tra thủ tục hành chính và xử phạt, sau đó cũng sẽ phải tiến hành kê khai nộp thuế theo quy định.  

V.LẠC

Theo: Báo Khánh Hòa