Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm nay.

Thi công nhiều công trình

Cùng chúng tôi đi trên đường ngang tổ dân phố Bãi Giếng Trung (thị trấn Cam Đức) được bê tông trong tháng 8, ông Lê Quang Tú – công chức địa chính thị trấn Cam Đức cho biết, ngày trước, đây là con đường đất, trũng, mùa mưa thường xuyên lầy lội, xói lở. Từ nguồn kinh phí khoảng 800 triệu đồng của thị trấn Cam Đức, tháng 6-2017, địa phương tiến hành bê tông hóa tuyến đường này, tạo điều kiện cho người dân đi lại trong mùa mưa bão. Ông Nguyễn Lơn (tổ dân phố Bãi Giếng Trung) chia sẻ: “Khi thị trấn có chủ trương làm đường, tôi đã tự nguyện chặt bỏ 10 cây xoài, bạch đàn lâu năm và hiến một phần đất của gia đình. Bây giờ, nhìn con đường sạch đẹp, đi lại thuận lợi, ai cũng phấn khởi”.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Cam Đức, ngoài tuyến đường trên, từ đầu năm đến nay, thị trấn đã bê tông hóa 7 tuyến đường (mỗi tuyến dài khoảng 400m) với tổng kinh phí 5,8 tỷ đồng từ nguồn của thị trấn. Đồng thời, UBND huyện Cam Lâm đã gia cố và xây mới hệ thống mương thoát nước phần hạ lưu (thuộc tổ dân phố Bãi Giếng Trung) dài 150m, giúp người dân thuận tiện trong sản xuất…

Đến thời điểm này, xã Cam Tân cũng hoàn thành một số công trình, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ. Ông Võ Ngọc Trung – Chủ tịch UBND xã cho biết, bằng nguồn vốn ngân sách xã, từ đầu năm 2017 đến nay, xã thi công 1 tuyến đường giao thông nông thôn dài hơn 226m với kinh phí hơn 319 triệu đồng; sửa chữa, gia cố 1 đoạn kè chống sạt lở đập Ông Biện hơn 97,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, sửa chữa 10 đoạn kênh mương với tổng kinh phí hơn 1,42 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và huyện hỗ trợ khắc phục bão lụt năm 2016… 

 
Được biết, năm 2017, bằng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 5,7 tỷ đồng, kè chống xói lở thôn Tân Xương (xã Suối Cát) đã được đầu tư, xây dựng. Bên cạnh đó, với hơn 7,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, 12 công trình bị hư hỏng do mưa lũ năm 2016 cũng đã được sửa chữa, như: các kênh mương ở xã Cam Tân, Suối Tân; mương thoát lũ cầu Trắng (thôn Văn Thủy 1, xã Cam Phước Tây); một số đập dâng ở xã Cam Hòa; đường ở các xã; sạt lở mái taluy bờ kè khu chế biến mì tập trung ở xã Cam An Bắc… Ngoài ra, Cam Lâm đã chi 9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện để đầu tư, sửa 5 tuyến đường, 1 tuyến kênh mương, 3 cống bản qua đường, 1 trường học.

Hệ thống mương thoát nước phần hạ lưu (tổ dân phố Bãi Giếng Trung, thị trấn Cam Đức) đã được gia cố

Hệ thống mương thoát nước phần hạ lưu (tổ dân phố Bãi Giếng Trung, thị trấn Cam Đức) đã được gia cố

Chủ động ứng phó

Toàn huyện có khoảng 2.240 người được huy động tham gia ứng cứu khi xảy ra bão lũ; chuẩn bị 527 áo phao, 520 phao cứu sinh; 32 nhà bạt; 43 chiếc phao bè, ca nô, xuồng, tàu, thuyền cứu hộ; hơn 70 xe các loại và toàn bộ cọc tiêu, biển báo cho các tuyến đường sẽ bị ngập lụt… Huyện cũng dự trù khoảng 265.700kg gạo, 639 lít nước mắm và nhiều lương thực, thực phẩm khác cần cứu trợ khi xảy ra thiên tai, bão lụt…

Ông Nguyễn Hữu Hảo – Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro trên địa bàn huyện. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên cũng như các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương chuẩn bị phương tiện, vật tư cần thiết, nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ, ứng cứu khi có mưa lũ. Bên cạnh đó, huyện xác định những khu vực xung yếu, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để có phương án đề phòng; tuyên truyền người dân di dời tài sản, thu hoạch sớm lúa, hoa màu, thủy hải sản để tránh thiệt hại do mưa lũ; rà soát thông tin, cảnh báo, đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè, khách du lịch và nhân dân tại các khu du lịch biển đảo. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ trong những ngày diễn ra mưa lớn, lũ; theo dõi sát diễn biến mưa, lũ; bố trí lãnh đạo chủ chốt thường trực để xử lý kịp thời các tình huống. Đồng thời, tăng cường cán bộ xuống các địa bàn để tham gia chống lũ lụt, nhất là các vùng trọng điểm.

Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp di dời dân, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân khi cần. Cụ thể, khi có bão cấp 10 – 11, toàn huyện có khoảng 5.820 người cần sơ tán. Khi có mưa lớn, lũ xảy ra, huyện sẽ sơ tán hơn 2.510 người tại các vùng trũng thấp; di dời khoảng 540 người tại các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ, lũ quét… UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn và đơn vị quản lý hồ chứa kiểm tra, phát hiện kịp thời sự cố lún, sụt, xói lở để xử lý. Bên cạnh đó, kiểm tra hoạt động của các cầu, cống, cầu tràn; khai thông dòng chảy thượng, hạ lưu nhằm đảm bảo thoát nước tốt; rà soát, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng trước khi xảy ra mưa lũ; kiểm tra các công trình lưới điện, trạm biến áp và có kế hoạch duy tu, sửa chữa đảm bảo cung cấp điện kịp thời trước, trong và sau mưa lũ…

NGUYỄN KIM

Theo: Báo Khánh Hòa