Diện tích nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng quy mô vùng sản xuất; tâm lý nông dân không muốn liên kết; chính sách thay đổi là những nguyên nhân khiến công tác chuyển đổi cây trồng tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) còn chậm, kéo dài.
Nhiều vướng mắc
Tìm đến những khu vực dự kiến chuyển đổi cây trồng của các xã Cam Tân, Suối Cát…, chúng tôi thấy nhiều vùng đất vẫn còn bỏ hoang. Theo ông Nguyễn Võ Luân – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tân, giai đoạn 2016 – 2017, người dân chưa có nhu cầu chuyển đổi cây trồng bởi lúc này cây mía, cây mì vẫn còn hiệu quả. Thôn Xuân Lập là khu vực có nhiều diện tích mía. Cây mía rớt giá nhưng người dân vẫn duy trì. Đến năm 2019, khi cây mía rớt giá mạnh, người dân mới nghĩ đến việc chuyển đổi trồng các loại xoài, chuối cấy mô, mãng cầu… Thế nhưng, do đăng ký chậm nên chưa nhận được hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Tương tự, ở thôn Phú Bình 2, mãi đến năm 2019, khi 52ha đất lúa sản xuất kém hiệu quả, thiếu hệ thống tưới tiêu, người dân mới lần lượt chuyển qua trồng các cây ngắn ngày như: đu đủ, hoa màu, bắp…
Giai đoạn 2021 – 2025, xã Cam Tân dự kiến chuyển đổi 88ha đất lúa (1 vụ 52ha, 2 vụ 36ha) sang trồng hoa màu có giá trị và 221ha cây lâu năm chuyển sang trồng xoài, mãng cầu… Xã đề nghị tỉnh quan tâm nâng mức hỗ trợ giống, hệ thống tưới, vì hiện nay, mức hỗ trợ này còn thấp. “Việc hỗ trợ chuyển đổi cây trồng còn nhiều bất cập. Cụ thể, Quyết định 1609 (ngày 7-6-2018) của UBND tỉnh hỗ trợ phát triển nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 – 2020, quy định chuyển đổi vùng liên kết đến 2ha mới được hỗ trợ. Trong khi đó, hộ sản xuất manh mún, không muốn liên kết, đầu tư cải tạo lớn nhưng hỗ trợ lại ít nên nông dân không muốn làm”, ông Luân cho biết.
Tại xã Suối Cát, công tác chuyển đổi cây trồng cũng “giậm chân tại chỗ”. Ông Lê Thành Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, năm 2016, tỉnh ban hành Quyết định 2690 (ngày 9-9-2016) về phê duyệt đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 – 2020, quy hoạch diện tích chuyển đổi. Năm 2017, tỉnh ban hành Quyết định 661 (ngày 3-3-2017) hỗ trợ phát triển nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 – 2020, yêu cầu vùng chuyển đổi cây hàng năm phải hơn 2ha. Nông dân không thể chuyển đổi được vì diện tích manh mún, không đảm bảo, nếu liên kết hộ thì không thống nhất trong việc lựa chọn cây trồng. Năm 2018, tỉnh lại ban hành Quyết định 1609 bổ sung cho Quyết định 661 vừa triển khai buộc nông dân phải đăng ký lại, làm lại hồ sơ, người dân chán nản. Hệ quả là khu vực núi Hòn Cậu chuyển đổi từ cây keo sang xoài 175ha nhưng không được hỗ trợ do quy định là rừng sản xuất; 2 cánh đồng Bầu Đưng (17ha), Khánh Thành (16ha) là những khu vực sản xuất lúa kém hiệu quả dự kiến chuyển đổi sang cây trồng có hiệu quả kinh tế như: Bắp, đậu, củ quả, cây ăn trái nhưng nay vẫn để hoang.
Kiến nghị bổ sung chính sách hỗ trợ
– Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, giai đoạn 2021 – 2025, ngành NN-PTNT sẽ triển khai chính sách hỗ trợ do Trung ương quy định và chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên phạm vi các xã khó khăn do HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, Cam Lâm chỉ có 6 xã được hỗ trợ gồm: Sơn Tân, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Phước Tây, Suối Tân và Suối Cát.
– Kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025: Cam Lâm dự kiến chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm 380ha, cây lâu năm 139ha; đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang cây có hiệu quả kinh tế cao 323ha như: Xoài 270ha, mãng cầu 6,5ha, dừa 4ha…
|
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cam Lâm, năm 2017 – 2018, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phổ biến nội dung chính sách để các hộ đăng ký chuyển đổi. Tuy nhiên, diện tích đăng ký chuyển đổi nhỏ lẻ, nằm rải rác, không tập trung, không đáp ứng quy mô vùng chuyển đổi theo quy định. Mặt khác, một số hộ đề nghị chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm không phù hợp với quy định. Từ đó, huyện không thể triển khai việc hỗ trợ cho người dân chuyển đổi.
Với tình hình đó, năm 2019, huyện Cam Lâm lập kế hoạch và ban hành quyết định hỗ trợ chuyển đổi cây trồng cho 3 tổ hợp tác (30 hộ) trên địa bàn xã Cam Hòa từ trồng lúa sang trồng sen, kiệu và khoai sáp, diện tích gần 12ha, tổng kính phí hỗ trợ hơn 186 triệu đồng. Tuy nhiên, một số loại cây trồng như sen, kiệu… chưa có định mức kinh tế – kỹ thuật nên gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; diện tích, vị trí các vùng đề nghị chuyển đổi cây trồng, người dân đề xuất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Do vậy, huyện không thể thực hiện hỗ trợ cho người dân chuyển đổi.
Để tháo gỡ công tác chuyển đổi cây trồng tại huyện Cam Lâm, ông Đặng Chí Liêm – Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện kiến nghị Trung ương và tỉnh: Bổ sung quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật đối với sen, kiệu và một số loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao; bổ sung chính sách hỗ trợ thủ tục và chi phí đăng ký mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân trồng cây ăn quả tại địa phương; sửa đổi định mức hỗ trợ theo Nghị định 83 (ngày 24-5-2018) của Chính phủ về khuyến nông, tăng mức hỗ trợ vật tư lên 50% và có định mức hỗ trợ riêng theo từng vùng đồng bằng, miền núi. Huyện cũng kiến nghị bổ sung mức hỗ trợ một lần 100% đối với chi phí cấp giấy chứng nhận lần đầu theo tiêu chuẩn VietGAP; bổ sung nội dung hỗ trợ cải tạo (ghép hoặc trồng giống mới) đối với các loại cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; điều chỉnh chính sách hỗ trợ xây dựng đề án quy hoạch vùng trồng rau chuyên canh theo hướng an toàn; điều chỉnh quy mô vùng chuyển đổi từ 1ha trở lên đối với cây hàng năm và 3ha đối với cây lâu năm…
Vĩnh Lạc
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202011/cam-lam-cham-chuyen-doi-cay-trong-8191937/