Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cam kết giải ngân hết vốn đầu tư công

Mới đây, Tổ công tác số 6 do ông Hồ Đức Phớc – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn đã làm việc tại Khánh Hòa về giải ngân vốn đầu tư công. UBND tỉnh cam kết phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công cả năm (đến ngày 31-1-2023) đạt 100% kế hoạch vốn.



Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP. Nha Trang.


Vướng ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng


Trong chương trình làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cùng ông Nguyễn Hải Ninh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đi khảo sát thực tế 4 dự án đầu tư công gồm: Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP. Nha Trang, Đường D30, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Đa khoa Nha Trang. Trong đó, dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP. Nha Trang là dự án vốn ODA.



Đoàn công tác kiểm tra thực địa tại dự án Đường D30.



Đây đều là những dự án có vốn lớn, nhất là dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP. Nha Trang với hơn 1.607 tỷ đồng; dự án Đường D30 vốn ít hơn cũng gần 130 tỷ đồng. Hiện nay, các dự án này có tỷ lệ giải ngân thấp. Trong đó, dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP. Nha Trang mới giải ngân được 18,6%; dự án Đường D30 đạt 21,2%; dự án Bệnh viện Ung bướu đạt 21,7%; dự án Bệnh viện Đa khoa Nha Trang đạt 25,1%.


Ông Hồ Tấn Quang – Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh cho biết, dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP. Nha Trang đang vướng mắc trong việc áp dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ. Ngoài ra, một số hộ so sánh giá bồi thường hỗ trợ với giá giao dịch trên thị trường bất động sản nên chưa chịu phối hợp. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh là đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án này, cũng đồng thời thực hiện GPMB cho nhiều dự án khác nên nhân lực bị phân tán; công tác lập và chỉnh sửa phương án sau khi họp hội đồng thẩm định còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ cấp bách đề ra hiện nay.


Đối với 2 dự án đầu tư bệnh viện, tiến độ thực hiện chậm do công tác đấu thầu thiết bị; về xây dựng, đến nay, cơ bản đã hoàn thành 80-90% số lượng công việc. Riêng dự án Đường D30 – Kết nối đường 23-10 với đường Võ Nguyên Giáp vướng mắc chủ yếu ở công tác bồi thường, GPMB.

Chủ động tháo gỡ khó khăn


Năm 2022, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công gần 3.520 tỷ đồng. Đến đầu tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 31,4% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 32,5% so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế.


Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh ở mức trung bình so với cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm, nhất là các công trình có bố trí vốn lớn. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung giải ngân ở các dự án có vốn đầu tư cao. Từ nay đến cuối năm, tỉnh đặt ra các mốc giải ngân cụ thể; phấn đấu đến ngày 31-8 sẽ đạt tiến độ giải ngân 41%, đến ngày 30-9 đạt 60%. Kết thúc kế hoạch năm (đến ngày 31-1-2023), Khánh Hòa cam kết sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công.


Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đẩy nhanh đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán nhằm thực hiện ngay việc giải ngân cho các dự án; tập trung chỉ đạo trong công tác đền bù GPMB, gỡ “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay. Bộ trưởng đề nghị cần quan tâm bố trí tái định cư, công tác tái định cư phải đi trước một bước, ổn định đời sống cho người dân mới đẩy nhanh được tiến độ GPMB.



Trong cuộc họp trực tiếp với các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên và trực tuyến với các tỉnh: Nghệ An, Sóc Trăng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2022 là năm bắt đầu khởi công mới nhiều dự án. Những tháng đầu năm hoàn tất thủ tục đầu tư nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Để hoàn thành giải ngân 100% vốn trong năm, các địa phương cần đi trước một bước trong công tác GPMB, bởi đây chính là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm. Các địa phương cần báo cáo rõ tình hình giải ngân, nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề ra giải pháp trong thời gian tới; sớm có báo cáo cho Bộ Tài chính, trong đó kiến nghị những giải pháp cụ thể để trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời.


ĐÌNH LÂM – MẠNH HÙNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202208/cam-ket-giai-ngan-het-von-dau-tu-cong-8261288/