Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cải tiến máy chà vỏ khoai lang từ máy… trộn hồ

Từ cơ chế hoạt động của máy trộn hồ, anh Lê Công Đức (31 tuổi, thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã cải tiến thành máy chà vỏ khoai lang. Giải pháp này của anh đã được trao giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2016 – 2017) cuối tuần qua.

Tốt nghiệp kỹ sư ngành chế biến thực phẩm, anh Đức phụ làm tráng bánh xoài tại Doanh nghiệp tư nhân chế biến xoài Cam Lâm của gia đình. Nhận thấy nghề này chỉ có việc theo mùa,  hết vụ, người làm ngồi chơi, không có thu nhập, 4 năm trước, anh Đức bàn với cha làm xen bánh khoai lang giữa 2 vụ xoài. Học nghề làm bánh khoai lang ở Ninh Hòa về, anh vừa làm vừa trăn trở khi thấy mọi công đoạn đều làm thủ công, sản lượng bánh thấp trong khi công lao động ngày càng cao.

Năm 2017, gia đình nghe anh Đức, mua máy cán bánh khoai lang bằng băng tải, có thể cán 200 bánh/phút. Từ lúc có máy cán bánh, việc gọt vỏ khoai lang bằng tay với năng suất vài chục ký khoai/người/ngày không còn đáp ứng đủ nguyên liệu cho máy cán hoạt động. Trong khi đó, các loại máy gọt vỏ bán trên thị trường chủ yếu là hàng nhập khẩu, giá hơn 10 triệu đồng, hầu hết đều gọt vỏ, rửa theo băng tải liên tục, sử dụng trục xoắn chà, rửa và phải có người bỏ khoai liên tục. Thấy vậy, anh Đức quyết tâm tìm hiểu và cải tiến thành công chiếc máy trộn hồ thành máy đánh vỏ khoai lang.

Máy có 2 phần chính, gồm khung máy và thùng trộn. Khung máy dài 1,2m, cao 1,5m, rộng 1,2m. Thùng trộn hồ nguyên bản bằng sắt, rất chóng rỉ sét khi tiếp xúc với nước và mủ khoai lang nên được anh Đức thay bằng thùng inox 304, bo tròn đáy với đường kính 0,8m, cao 1m. Anh thiết kế trục quay và ổ bi đều nằm bên ngoài; trong thùng bố trí bộ dao nhám để chà vỏ khoai. Do nhà có mô tơ dư và sẵn điện 3 pha nên anh Đức tận dụng  mô tơ chậm 3 pha 1HP. Nhưng với thiết kế của anh, người dùng chỉ cần mô tơ 1,5HP chạy điện 1 pha là ổn.

Anh Đức tại lễ trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII

Nguyên lý hoạt động của máy rất đơn giản, tương tự máy trộn hồ, tận dụng lực ma sát. Khi thùng quay, khoai được trộn lên, ma sát với nhau và với bộ dao nhám trong thùng, từ đó tróc hết vỏ. Máy đòi hỏi tốc độ quay phải ổn định 30 vòng/phút. Tốc độ quay quá chậm, không đủ lực ma sát, vỏ khoai không tróc được; còn quay quá nhanh, lực quán tính sẽ giữ không trộn được khoai, vỏ không tróc. Hiện nay, máy hoạt động ổn định, vận hành đơn giản, dễ vệ sinh, phù hợp với nhu cầu sản xuất của gia đình và có điểm còn ưu việt hơn máy nhập khẩu: khoai bỏ vào cùng một lần, không cần người đứng bỏ liên tục, sau 5 phút là tắt máy, lấy khoai ra. Mỗi mẻ như vậy chà được 40kg khoai. 1 người có thể điều khiển máy chà vỏ tới 1 tấn khoai/ngày.

Trước đây, nếu gọt vỏ khoai lang bằng tay, gia đình anh phải tốn 4 công lao động/ngày thì hiện nay chỉ cần 1 người vận hành, tính ra tiết kiệm 9 triệu đồng/tháng. Có chiếc máy này, khoai lang nguyên liệu đủ đáp ứng cho chiếc máy cán bánh, làm tăng lượng bánh thành phẩm, qua đó, gia đình anh bảo đảm được việc làm ổn định cho 8 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, việc tiêu thụ lượng khoai lang lớn cũng góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân. Giá thành của chiếc máy này cũng phải chăng. Với loại máy công suất chà vỏ 200 – 300kg khoai lang/ngày thì giá thành máy khoảng 5 triệu đồng. Ngoài chà vỏ khoai lang, máy cũng có thể dùng chà vỏ khoai mì, khoai môn, khoai tây… Hạn chế duy nhất là máy chưa chà sạch được ở những chỗ củ cong gập nên cần có người gọt thêm. Hiện nay, anh Đức đang tiếp tục nghĩ cách khắc phục hạn chế này.

Ông Nguyễn Lai – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm nhận xét, máy chà vỏ khoai lang cải tiến của anh Đức có hiệu quả thiết thực, giảm đáng kể công lao động, đồng thời tăng năng suất trong khâu gọt vỏ, đáp ứng nhu cầu sản xuất số lượng nhiều.

TIỂU MAI

Theo: Báo Khánh Hòa