Theo cảnh sát bảo vệ ra xe, bị cáo L.M.P (sinh năm 1990, trú Phước Đồng, Nha Trang) ngoái nhìn về phía bạn gái. Có lẽ, sẽ còn khá lâu, cả hai mới lại được cùng đi bar như trước. Sự việc tại quán bar tối đó sẽ thành kỷ niệm để P. “ôn” dài dài trong những năm chấp hành án về tội giết người.
Trước tòa, P. thanh minh, bị cáo mang theo “nắm đấm thép” (vật bằng kim loại, đầu tròn, có 4 lỗ, trong gắn lưỡi dao bấm, có cán) chỉ để phòng thân. Nhưng P. cũng thừa nhận đồ vật này dùng để đánh nhau; và thực tế, P. không hề phòng thân mà chủ động tấn công người khác bằng “nắm đấm thép”.
Tối đó, sau khi ăn cưới, P. cùng nhóm bạn của bạn gái tới một quán bar chơi. Ở đây, khó chịu vì một người bạn đùa giỡn bạn gái mình, P. gọi ra nói chuyện và đánh, khiến người này bỏ về. Khi P. cụng ly, thấy một người không hưởng ứng, cho rằng khinh mình, P. lấy “nắm đấm thép” đánh nên người này cũng bỏ về. Vì vậy, anh S. tới gặp P. và bạn gái, hỏi người vừa đánh. P. liền cãi lộn, đánh nhau với anh S. Anh S. lấy mũ bảo hiểm đánh trả thì bị P. dùng “nắm đấm thép” đánh vào vùng thái dương, gây chảy máu. Khi mọi người can ngăn, kéo hai người ra thì bạn gái P. hỏi vì sao anh S. đánh P. Anh S. xô cô này ra thì bị P. dùng “nắm đấm thép” gắn lưỡi dao đâm vào ngực trái, gây thương tích 50%.
Thế nhưng nhân chứng, là bạn gái P. lại cho rằng P. không chủ động tấn công. Theo cô này, lúc đó mọi người đều say. Cô đến hỏi anh S. vì sao chuyện không liên quan mà tới gây gổ, rồi bức xúc đánh vào tay anh một cái. Anh S. đẩy ra, khiến cô lảo đảo và ngã. Có lẽ P. thấy vậy tưởng cô bị đánh nên chạy lại đánh anh S.
Tuy nhiên, bị hại phủ nhận lời khai này. 2 nhân chứng làm cùng công ty với bị hại cũng cho rằng lời khai của bạn gái P. chưa chính xác. Khi S. hỏi vì sao đánh 2 bạn, bạn gái P. đã trả lời vẻ khiêu khích: “Thích đánh thì sao?”, rồi đánh anh S. liền. Anh S. có đánh lại nhưng vẫn bị đánh chảy máu đầu. Khi mọi người trong nhóm can ngăn, sơ cứu cho anh S. thì bạn gái P. tiếp tục tới, căn vặn sao đánh P., rồi lại đánh anh S.. Vì vậy, anh S. mới xô ra, khiến cô này bị ngã. Thấy bạn gái ngã, P. xông tới, tấn công anh S. bằng “nắm đấm thép”.
Vị đại diện viện kiểm sát nghiêm nghị nói: Hết lần này tới lần khác, bị cáo xử sự hung hăng. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại. Điều đó thể hiện tính côn đồ, coi thường tính mạng người khác. Kết luận giám định cho thấy lưỡi dao trên “nắm đấm thép” đã đâm thủng màng tim của bị hại. Việc người bị hại không chết chỉ bởi may mắn được cấp cứu kịp thời. Sự việc tại quán bar hôm đó có thể có kết quả tích cực hơn nếu bị cáo biết kiềm chế bản thân, xử lý tình huống ôn hòa hơn. Ít nhất, nếu bị cáo biết dừng lại sau lần đầu đánh bị hại thì có thể chỉ bị truy tố về tội cố ý gây thương tích.
Đến lúc này, bị cáo mới cúi đầu xin bị hại tha thứ, xin bồi thường thêm tại tòa 20 triệu đồng. Nhận thấy sự ăn năn đó, người bị hại đã 2 lần giảm mức yêu cầu bồi thường, chỉ yêu cầu bằng 1/3 mức ban đầu và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Nhìn theo bị cáo ra xe, một người dự thở dài: Cũng là bài học cho những ai có suy nghĩ ra đường phải mang hung khí… phòng thân! Nếu đã có hung khí trong người, bất cứ khi nào xích mích cũng khó ôn hòa xử lý mà chỉ nghĩ đến việc giải quyết bằng hung khí, dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Đó là cách xử lý tình huống tiêu cực, pháp luật không cho phép.
TAM THUẬT
Theo: Báo Khánh Hòa