Hiện nay, nhiều tuyến đường vào khu sản xuất của người dân ở huyện Khánh Vĩnh là đường đất, chưa được đầu tư nên hay bị sạt lở, lầy lội vào mùa mưa, gây nhiều khó khăn cho người dân trong quá trình vận chuyển, thu hoạch nông sản. UBND huyện đã có văn bản đề nghị tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa xem xét, hỗ trợ vốn để huyện đầu tư 7 dự án đường vào khu sản xuất.
Theo ghi nhận của phóng viên tại đường vào khu sản xuất của xã Khánh Đông ngày 22-9, con đường đất chỉ rộng khoảng 3m, bên cạnh có 1 mương thủy lợi. Dù trời đang nắng nhưng mặt đường vẫn có những vũng nước bị ứ đọng từ các trận mưa trước, xe máy không thể di chuyển được. Ông Phan Lệ (xã Khánh Đông) cho biết, đây là con đường duy nhất để vào khu sản xuất keo, thu hoạch nông sản của người dân nơi đây. Phía bên trong khu sản xuất 80% là trồng keo. Đường sình lầy, xe tải không vào được nên việc thu hoạch, vận chuyển keo và lúa chủ yếu bằng xe công nông, nhưng cũng rất vất vả để vào khu sản xuất khi phải qua nhiều đồi núi, dốc đá.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Khánh Đông cho biết, khu sản xuất của xã hiện nay có diện tích đất canh tác khoảng 186ha keo, lúa của 129 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Đường đi lại khó khăn, người dân thu hoạch keo, lúa còn mất chi phí cao hơn bình thường để thuê xe công nông chuyên chở nông sản nên hiệu quả sản xuất không cao. Nếu được đầu tư, nâng cấp, con đường này sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người dân.
Ông Phan Đình Tuyến – Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết, trên địa bàn xã hiện nay có 2 tuyến đường vào khu sản xuất Ba Dùi và Bến Khế là đường đất rộng 3-4m, một số đoạn sạt lở lầy lội vào mùa mưa, rất khó đi. 2 tuyến đường này phục vụ sản xuất cho khoảng 90 hộ dân, trong đó có 65 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo với khoảng 100ha đất sản xuất trồng keo, mì, cây ăn quả… Tại xã Khánh Thành, tuyến đường vào khu sản xuất Suối Bầu cũng là đường đất, nhiều đoạn sạt lở. Tuyến đường này phục vụ sản xuất cho khoảng 40 hộ dân, trong đó có khoảng 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo với hơn 50ha đất sản xuất trồng keo, mì, cây ăn trái…
Theo ông Nguyễn Văn Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng hoặc chưa đầu tư, gây khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân, nhất là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư của huyện còn hạn hẹp, không đủ để đầu tư tất cả các dự án trên địa bàn.
Được biết, để tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân, UBND huyện Khánh Vĩnh đã có văn bản đề nghị tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ nguồn vốn ngân sách tỉnh để huyện đầu tư 8 dự án, trong đó có 7 dự án đường vào khu sản xuất của người dân và 1 dự án kè phía đông bờ Sông Khế (giai đoạn 3) ở các xã: Khánh Đông, Khánh Thành, Khánh Phú, Khánh Bình và thị trấn Khánh Vĩnh với tổng mức đầu tư 9,1 tỷ đồng.
THÁI THỊNH