Gần hết phiên tòa, bị cáo B.B.N (sinh năm 1995, trú Sơn Hiệp, Khánh Sơn, Khánh Hòa) vẫn nhắc đi nhắc lại lý do duy nhất biện minh cho việc dùng dao đâm liên tiếp ông thầy cúng B.B.T, đó là vì bị yểm bùa!
N. khẳng định, từ sau khi ông T. sang nhà cúng theo yêu cầu của cha mẹ N., lúc nào trong đầu bị cáo cũng thấy có tiếng nói của ông T. Đó đích thực là bị yểm bùa! Trước đó, ông T. từng nói bị cáo “phải theo phong tục của ổng”, nếu không sẽ yểm bùa hại cả nhà! N. giải thích, “theo phong tục” nghĩa là theo học nghề thầy cúng của ông T. Vì N. không theo, nên N. mới thấy trong đầu lúc nào cũng ong ong tiếng nói của ông T., chắc chắn là ông này đã yểm bùa! Do đó, N. mới cầm dao sang nhà để yêu cầu ông T. giải bùa, nhưng ông này lại chối, nói không yểm nên không giải, còn thách bị cáo “đâm đi! đâm đi!”. Những dồn nén đó khiến bị cáo bức xúc, không kiềm chế được và đâm ông T. liên tiếp. Sau khi vợ ông T. xô ra, bị cáo lại rút con dao dùng chặt mây làm gùi cài bên vách nhà ông T. đâm tiếp. Tuy nhiên, N. cũng thừa nhận, thực tế chưa thấy ai khác bị ông T. yểm bùa. Phong tục của người Raglai cũng không cho phép khi bị thách đố thì được quyền đâm chết người. Đặc biệt, đến giờ bị cáo lại đột nhiên không còn thấy tiếng nói bất thường nào trong đầu nữa!
Vợ ông T. tỏ ra khá bức xúc, ban đầu còn đòi “mạng đền mạng”, không cần bồi thường! Bà cho biết, hôm đó, vợ chồng bà đang ngồi nhà dưới bàn chuyện sửa lại mái nhà dột thì N. sang, giọng đã nhừa nhựa hơi men. Hai người ngồi nhà trên nói chuyện. Bị cáo nói chuyện cúng bái, yểm bùa gì đó. Đúng là trước đó cha mẹ bị cáo có mời chồng bà sang cúng giùm, nhưng còn chuyện yểm bùa thì chồng bà khẳng định không làm, còn nói bị cáo cứ mời thầy cúng khác xem có phải bị yểm bùa thật không. Bà thấy bị cáo đứng dậy vỗ vai chồng bà mấy cái, soi gương, đi loanh quanh một hồi, rồi đột nhiên xô tới rút dao đâm tới tấp. Bà vội chạy lên xô bị cáo, làm văng con dao ra xa. Nhưng bị cáo lại vớ con dao cài bên hông nhà, đâm tiếp.
Trong phần luận tội, sau khi đề nghị tòa áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đại diện viện kiểm sát đề nghị cần tăng cường tuyên truyền loại bỏ hủ tục mê tín dị đoan, đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số, để tránh xảy ra những vụ án đau lòng như vụ án này.
Nghe đề nghị mức án xong, bị cáo N. mới cúi đầu run rẩy nói: Bị cáo sai rồi! Xin tòa giảm án cho bị cáo được về sớm nuôi cha mẹ già và đi làm lo bồi thường cho gia đình bị hại.
Nhưng những lời ăn năn đó đã muộn. Nghe tòa tuyên án xong, bị cáo bật khóc; người nhà bị cáo cũng khóc. Bà mẹ bị cáo vừa khóc, vừa lau nước mắt cho con rồi cuống quít tạm biệt con trước khi ra xe. Trong phút lúng túng đó, có tiếng ai đó thở dài: Nếu quả có yểm bùa, giờ người yểm đã mất, không giải được, vậy sao giờ không thấy tiếng nói trong đầu? Bùa đâu không thấy, nhưng bùa… mê muội, thiếu hiểu biết thì đã rõ!
TAM THUẬT
Theo: Báo Khánh Hòa