Khi Nhà nước thu hồi đất, việc giao cho đơn vị làm công tác đền bù xác định mức đền bù đối với cây trồng rất khó khăn bởi cơ quan này không đủ nhân lực cũng như chuyên môn, làm mất nhiều thời gian để xác định giá trị cây trồng, ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất. Việc UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành đơn giá bồi thường là cần thiết.

Thay đổi cách tính

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Ngày 21-12-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 27 quy định giá bồi thường, hỗ trợ các loại vật nuôi, cây trồng trên đất bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định này, tỉnh đưa ra bảng giá theo mét vuông đối với cây hàng năm và từng cây đối với cây lâu năm. Đơn vị làm công tác bồi thường căn cứ vào mức giá này để áp giá đền bù cho các tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất. Tuy nhiên, đến năm 2021, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã kết luận, Quyết định số 27 của tỉnh chưa phù hợp với quy định theo Luật Đất đai năm 2013. Vì thế, đầu tháng 4-2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định bãi bỏ Quyết định số 27; đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) hướng dẫn phương pháp xác định mức bồi thường đối với cây trồng trên đất bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.



Nông dân chăm sóc cây trồng.

Nông dân chăm sóc cây trồng.



Ngày 22-4, Sở NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn phương pháp xác định mức bồi thường đối với cây trồng trên đất bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với cây hàng năm, các địa phương (cấp xã) phải xác định được cây trồng chính của địa phương mình. Khi diện tích cây hàng năm bị ảnh hưởng, Nhà nước sẽ lấy giá trị sản lượng của cây trồng chính nhân với giá bán trung bình tại thời điểm thu hồi đất để cho ra mức giá bồi thường. Giá trị sản lượng này được xác định bằng cách, trong 3 năm qua, năng suất vụ mùa nào cao nhất sẽ được lấy để làm sản lượng bồi thường.


Với cây lâu năm, phổ biến nhất là cây ăn quả, đơn vị làm công tác đền bù xác định toàn bộ chi phí kiến thiết vườn cây, chẳng hạn như: Phân bón, giống, chi phí chăm sóc… và sản lượng trên cây (đối với cây đang cho thu hoạch) theo mức giá tại thời điểm thu hồi đất để đền bù cho người dân.

Khó thực hiện


Sau khi Sở NN-PTNT có văn bản hướng dẫn, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có văn bản báo cáo tỉnh về những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện. Chẳng hạn như việc xác định năng suất của cây trồng hàng năm, năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương hiện nay chưa có tài liệu hay cơ sở dữ liệu mang tính xác thực, tin cậy để tham chiếu và áp dụng. Ngoài ra, qua thực tế trong công tác thu hồi đất, cây trồng gắn liền với đất thường xen nhiều loại cây lâu năm và cây hàng năm (vườn tạp), không phải vườn cây chuyên canh với mật độ, khoảng cách theo kỹ thuật canh tác nông nghiệp, do đó việc áp dụng các quy định để tính giá đền bù cây trồng rất khó thực hiện.


Đặc biệt, hầu hết địa phương đều cho rằng, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng không có chức năng xây dựng giá bồi thường đối với cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất. Nếu thuê tổ chức thẩm định giá để xác định giá trị cây trồng trên đất bị thu hồi sẽ mất nhiều thời gian, làm cho công tác thu hồi đất kéo dài, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Chưa kể việc mỗi địa phương xác định giá bồi thường cây trồng cho từng dự án cụ thể có sự khác nhau sẽ dễ phát sinh sự so bì, khiếu nại đơn giá cây trồng với các dự án khác trên địa bàn tỉnh.


Theo văn bản của UBND TP. Nha Trang, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều ban hành quy định đơn giá cây trồng hàng năm hoặc công bố đơn giá tài sản trên đất là cây trồng, vật nuôi áp dụng để bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất và các trường hợp liên quan khác.

Xây dựng đơn giá hàng năm với cây lâu năm


Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 20-7, Sở NN-PTNT và Sở Tài chính đã có tờ trình tham mưu UBND tỉnh về việc ban hành quyết định giá bồi thường, hỗ trợ các loại cây trồng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Bá Ninh – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trên cơ sở góp ý của Sở Tư pháp và các địa phương, Sở NN-PTNT cùng Sở Tài chính thống nhất tham mưu tỉnh không xây dựng bảng giá cây hàng năm mà giữ nguyên theo cách tính lấy năng suất cao nhất trong 3 năm qua của cây trồng chính ở địa phương để bồi thường. Đối với cây lâu năm, với cây ăn quả, cây công nghiệp, vận dụng Thông tư liên tịch giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính ngày 22-4-2015 hướng dẫn phương pháp xác định giá trị rừng trồng, vườn cây để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp và sử dụng định mức kinh tế kỹ thuật được ban hành theo Quyết định 3073 của Bộ NN-PTNT ngày 28-10-2009 ban hành các định mức tạm thời áp dụng cho các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến ngư để xác định giá trị của cây ăn quả, cây công nghiệp giai đoạn xây dựng cơ bản và giai đoạn kinh doanh để xác định giá bồi thường.


Như vậy, để giải quyết vướng mắc cho các địa phương khi thực hiện công tác bồi thường cây trồng, liên Sở NN-PTNT và Sở Tài chính thống nhất tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy định mức giá bồi thường đối với cây lâu năm theo từng năm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế trên tinh thần đền bù hợp lý cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng và dễ triển khai thực hiện đối với tổ chức làm công tác đền bù.


Hồng Đăng

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202208/boi-thuong-cay-trong-khi-bi-thu-hoi-dat-xay-dung-don-gia-hang-nam-doi-voi-cay-lau-nam-8259063/