Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Bỏ phố về… farmstay

Mô hình nông trại du lịch (farmstay) đang chập chững hình thành ở những vùng quê. Rồi mai đây, ắt sẽ có dịch vụ lưu trú để du khách tận hưởng cảm giác “đêm nông thôn” và có những trải nghiệm thú vị về cuộc sống gần gũi với thiên nhiên…

Về chốn quê


Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp tìm đến Dép Tổ Ong farmstay để trải nghiệm một ngày xa thành phố. Thấy chúng tôi, dù tay chân còn lấm lem đất, ông chủ vườn cười tươi ra đón khách. Mùi cây cỏ thoang thoảng, không gian thoáng đãng vùng nông thôn cho tôi cảm giác như đang trở về mái nhà quê sau những ngày dài bận bịu với công việc chốn thị thành.



Một góc Dép Tổ Ong farmstay với vườn rau, ao cá, cây ăn quả…



Dép Tổ Ong là một trang trại rộng hơn 8ha nằm ven hồ Am Chúa (thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), cách TP. Nha Trang khoảng 15km. Đường vào đây không dễ đi, mùa mưa, xe ô tô không vào được. Thế nhưng, tới rồi tôi mới biết tại sao ở đây vẫn có sức hút đến thế. Nơi này cây trái theo mùa, mùa nào thức ấy, khách đến chơi trong vườn chỉ cần với tay đã có thể hái đủ rau, củ để nấu một bữa ngon cho gia đình, nhóm bạn. Muốn có thêm cá thì cứ vác cần ra hồ thả câu… Ở đây cũng không thiếu những món trải nghiệm “chất lừ” như lội suối bắt cua, chèo thuyền kayak, tắm suối, vào vườn hái chôm chôm, xoài, mít…


Góc nhỏ trong vườn, dưới bóng mát những cây xoài là vài túp lều nhỏ được dựng lên phục vụ cho những người muốn trải nghiệm qua đêm ở trang trại. Không cầu kỳ, hiện đại, chỉ đáp ứng đủ nhu cầu “có chỗ đặt lưng” cho khách. Sau một hồi đưa tôi đi thăm thú một góc nhỏ của farmstay, anh Trần Văn Phương – chủ nhân của Dép Tổ Ong đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc rổ để ra vườn hái rau chuẩn bị cho bữa trưa. Anh nói, khách ghé chơi, tất nhiên có đầu bếp chuẩn bị một số món ăn có sẵn của trang trại, nhưng mọi người cũng nên tự mình ra vườn hái rau, cuốc đất, làm một số công việc đúng nghĩa “về vườn”. Với nông nghiệp ở đây, Dép Tổ Ong chọn “nói không” với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Với anh, làm farmstay điều quan trọng nhất là gần gũi với thiên nhiên, phải tạo được một trang trại sạch (farm) đúng nghĩa, phục vụ tốt cho chính bản thân mình, rồi đến khách. Khi mọi người cảm nhận được sự trải nghiệm đúng nghĩa, tất nhiên sẽ có nhu cầu ở (stay) để trải nghiệm thêm. Vì vậy, hầu như các công trình ở Dép Tổ Ong đều được làm nên từ vật liệu thân thiện môi trường, không bê tông hóa cảnh quan.



Du khách tự tay hái rau, chuẩn bị bữa ăn cho mình.



Quả thật, ở đây, thứ công nghệ hiện đại còn lại với chúng tôi là chiếc smartphone chỉ có thể nghe gọi, không còn bắt được sóng Internet; ở đây chưa có điện lưới mà sử dụng điện mặt trời; nước thì cứ sử dụng nước tự chảy từ suối qua hệ thống lọc… Sau bữa tối trong vườn, đêm xuống, xung quanh chúng tôi là sự tĩnh lặng, chỉ có tiếng côn trùng. Mọi người lại quây quần quanh đống lửa mới đốt, kể cho nhau nghe những câu chuyện cuộc sống. Đến giờ đi ngủ, mỗi gia đình, nhóm bạn lại được bố trí ở trong một túp lều nhỏ, vừa đủ chăn, gối để ngủ, đúng nghĩa về vườn thì “tiện ích chứ không tiện nghi”. Nhưng nhờ vậy giấc ngủ có khi lại ngon hơn chăn ấm nệm êm lúc ở thành phố.

Xu hướng mới


Chia sẻ về những ngày mới bắt đầu với farmstay, anh Phương cho biết, khi cảm thấy cuộc sống ở thành phố có phần bức bối, bão hòa, anh đã chớm có suy nghĩ “về vườn”. Nhưng về vườn chỉ có gia đình loanh quanh với nhau cũng chán, từ đó, ý tưởng farmstay với đủ loại hình trải nghiệm ra đời. Bắt đầu làm từ tháng 6-2019, đến tháng 9-2020, Dép Tổ Ong đã đón những vị khách đầu tiên, thường là những nhóm bạn nhỏ, hay các gia đình đến chơi và lưu lại. Ngoài ra, đây còn là nơi các trường học, bậc phụ huynh chọn làm điểm ngoại khóa ngoài giờ cho học sinh, con em mình.



Trải nghiệm câu cá thú vị ở Dép Tổ Ong.



Khá cầu kỳ khi chọn điểm nghỉ dưỡng vào cuối tuần, nhưng vừa đến, vợ chồng chị Phạm Thị Tố Mai (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) đã thích thú ngay với không gian ở đây. “Chúng tôi không có điều hòa, tivi hay những thứ tiện nghi khác như khách sạn. Nhưng bù lại, tôi được tận hưởng thiên nhiên, trải nghiệm những cảm giác trở về với tuổi thơ như tắm suối, câu cá, hái rau trái trong vườn…, những thứ mà chỉ thực sự rời xa thành phố mới có được. Loại hình du lịch này khá mới mẻ và mang lại trải nghiệm rất khác lạ”, chị  Mai chia sẻ.


Theo anh Phương, farmstay là xu hướng du lịch còn khá mới với đa số du khách, hướng đến đối tượng khách không cần sự tiện nghi mà cần trải nghiệm. Vậy nên, lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ là một khía cạnh, bên cạnh đó vẫn có những giá trị khác, đặc biệt là giúp du khách cảm nhận được những trải nghiệm quý báu; định hướng sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với du lịch, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch thân thiện với thiên nhiên.


VĨNH THÀNH



Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên – Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa: Farmstay là loại hình du lịch khá mới mẻ tại địa phương với nhiều sản phẩm trải nghiệm đa dạng, thú vị. Việc phát triển mô hình farmstay đang theo hình thức nhỏ lẻ, chủ yếu ở các vùng quê. Hệ thống giao thông cũng chưa hoàn chỉnh nên phù hợp với đối tượng khách theo dạng nhóm nhỏ, gia đình. Hội Lữ hành Khánh Hòa đang đưa loại hình du lịch này vào các sản phẩm “Người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa” nhằm phục vụ cộng đồng khách tại địa phương.

 



Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202102/bo-pho-ve-farmstay-8207795/