Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh và các cộng sự vừa thực hiện thành công đề tài “Biên soạn tài liệu lịch sử địa phương Khánh Hòa cấp tiểu học theo hướng tích hợp”. Kết quả đề tài đáp ứng nhu cầu về dạy học lịch sử địa phương cấp tiểu học theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa, dạy học lịch sử địa phương chính là gắn lịch sử thiên nhiên, xã hội con người địa phương với học tập. Từ đó, giáo dục các em tình yêu, niềm tự hào về quê hương. Vì vậy, tài liệu học tập phải được biên soạn theo hướng tích hợp. Thực tế, những năm qua, trên địa bàn tỉnh tuy đã có tài liệu lịch sử và địa lý Khánh Hòa nhưng số bài còn hạn chế (2 bài địa lý, 1 bài lịch sử) và chỉ dạy khối lớp 5, các khối lớp khác chưa có. Kiến thức địa phương gần như mới mẻ đối với giáo viên dạy cấp tiểu học. Nhiều giáo viên tuy có ý thức vận dụng kiến thức địa phương theo hướng tích hợp vào một số bài giảng để phát triển năng lực học sinh (HS) nhưng mới chỉ dừng lại ở việc xem hình ảnh, tham quan di tích lịch sử hay mời nhân chứng nói chuyện. Hiểu biết lịch sử văn hóa địa phương theo cách “học mà chơi, chơi mà học” với lớp nhỏ và từng bước nâng dần kiến thức ở lớp lớn hơn là việc làm cần thiết.
Để đáp ứng nhu cầu về tài liệu dạy học lịch sử địa phương cấp tiểu học theo hướng tích hợp mà Bộ GD-ĐT đề ra, UBND tỉnh đã đặt hàng cho Hội Khoa học lịch sử tỉnh nghiên cứu đề tài “Biên soạn tài liệu lịch sử địa phương Khánh Hòa cấp tiểu học theo hướng tích hợp”. Sau hơn 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thực hiện được 12 chuyên đề và 3 sản phẩm chính gồm: tài liệu dạy học lịch sử địa phương theo hướng tích hợp dùng cho HS từ lớp 1 đến lớp 3 có tiêu đề “Khánh Hòa – cuộc sống quanh ta” với các trò chơi dân gian, câu đố về đồ vật, con vật, cây trái, hiện tượng tự nhiên, ẩm thực, di tích lịch sử văn hóa của tỉnh; tài liệu giảng dạy cho HS lớp 4 và 5 với chủ đề Khánh Hòa – đời sống xã hội, nói về thiên nhiên, biển đảo, các miền quê, dân tộc ở Khánh Hòa, lịch sử, sự kiện, nhân vật, lễ hội; tài liệu hướng dẫn giảng dạy, gợi ý thiết kế một số bài học lịch sử địa phương cấp tiểu học theo hướng tích hợp, phát triển năng lực HS.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết, cuối năm 2017, đề tài đã triển khai thí điểm với khoảng 700 HS từ lớp 1 đến lớp 5 tại 3 đơn vị đại diện vùng miền, đó là các trường: Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh; Tiểu học số 3 Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa); Tiểu học Phước Tiến và Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang). Các trường đã tổ chức dạy thực nghiệm các bài: trò chơi đồng dao Nu na nu nống Trường Sa, Hoàng Sa (lớp 1); câu đố về đồ dùng, vật nuôi, cây trồng (lớp 2); ẩm thực ở Khánh Hòa (lớp 3); các dân tộc ở Khánh Hòa (lớp 5) và tổ chức hoạt động ngoại khóa trải nghiệm tại: Bảo tàng Viện Hải dương học (Nha Trang) cho HS lớp 3, 4, 5 Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh; di tích lưu niệm tàu C235, Ninh Hòa (HS lớp 4 và 5 Trường Tiểu học số 3 Ninh Hiệp); Nhà máy sản xuất nguyên liệu Yến sào Khánh Hòa (HS từ lớp 1 đến 5 Trường Tiểu học Phước Tiến và Tiểu học Lộc Thọ). Thầy Nguyễn Trọng Sĩ – Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh cho biết: “Quá trình thực nghiệm tại trường, HS rất thích, nội dung học tạo sự hứng thú cho các em; giảm tải sự nặng nề trong chương trình học lịch sử hiện nay. Sở GD-ĐT cần tiếp nhận kết quả của đề tài và có lộ trình đưa vào áp dụng thực tế. Đặc biệt, cần tổ chức tập huấn cho các giáo viên tiểu học nắm bắt nội dung tài liệu lịch sử địa phương…”.
Theo bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT, việc hoàn thành đề tài đáp ứng tính cấp thiết về tài liệu dạy học lịch sử địa phương cấp tiểu học theo hướng tích hợp mà Bộ GD-ĐT đề ra. Các bài học được biên soạn ngắn gọn, vừa sức, phù hợp tâm lý lứa tuổi và đã hướng dẫn thiết kế một số bài giảng theo từng chủ đề, hoạt động trải nghiệm được chú trọng.
CẨM VÂN
Theo: Báo Khánh Hòa