Đến thời điểm này, hàng loạt tỉnh trên cả nước đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 trung học phổ thông, từ Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh… Ghi nhận chung cho thấy, trừ Hải Phòng, các địa phương còn lại đều có điểm chuẩn giảm so với năm 2018, nhiều trường có điểm chuẩn thấp kỷ lục.

Điểm chuẩn 4 điểm/5 môn

Chỉ 4 điểm cho tổng số 5 môn (điểm môn Văn, Toán nhận hệ số hai và điểm môn Ngoại ngữ) là mức điểm chuẩn của nhiều trường trung học phổ thông tại Khánh Hòa năm nay. Điều đó đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ cần đạt trung bình 0,8 điểm/môn là có thể đỗ vào trường cấp ba công lập của Khánh Hòa.

Toàn tỉnh có 22 trường trung học phổ thông tuyển sinh bằng kết quả thi tuyển thì có tới 13 trường, chiếm tỷ lệ 59%, lấy điểm chuẩn dưới 9 điểm, tương đương với chưa đến 2 điểm/môn thi, trong đó nhiều trường ở ngưỡng 4 đến 6 điểm.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Cụ thể, có 4 trường lấy điểm chuẩn chỉ ở ngưỡng 4 điểm, gồm các trường Trung học phổ thông Tôn Đức Thắng, Trần Quý Cáp, Trần Văn Ơn, Đoàn Thị Điểm. Bốn trường có điểm chuẩn chỉ từ 5 đến 5,4 điểm, gồm Trung học phổ thông Trần Bình Trọng, Nguyễn Huệ, Trần Cao Vân, Lê Hồng Phong. Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo 6,7 điểm; Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh có điểm chuẩn 7,5 điểm, Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai 8,5 điểm, Trung học phổ thông Nguyễn Trãi 7,6 điểm, Trung học phổ thông Nguyễn Thái Học 8 điểm.

Chỉ có 2 trường có mức điểm chuẩn trên 20 điểm, gồm Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi 23,9 điểm; Trung học phổ thông Lý Tự Trọng 27,7 điểm. Theo đó, Trung học phổ thông Lý Tự Trọng là trường duy nhất ở Khánh Hòa có điểm chuẩn đạt trung bình trên 5 điểm/môn thi.

Tại Thanh Hóa, dù chưa có điểm chuẩn chính thức nhưng theo Sở Giáo dục và Đào tạo, mức điểm chuẩn dự kiến sẽ giảm. Một số trường dự kiến điểm chuẩn sẽ rất thấp, chỉ khoảng 4 điểm, như Trung học phổ thông Mường Lát, Trung học phổ thông Quan Sơn.

Tại Hà Tĩnh, điểm chuẩn của trường Trung học phổ thông Can Lộc là 10,75 điểm; Trung học phổ thông Nguyễn Đình Liễn là 9,5 điểm.

Điểm chuẩn “rơi tự do”, giảm 20 điểm

Điểm chuẩn các trường trung học phổ thông năm nay thấp kỷ lục cũng là thực trạng tại Thái Bình. Nếu tại Khánh Hòa, năm nay là năm đầu tiên tỉnh này tổ chức thi tuyển vào lớp 10 sau 6 năm xét tuyển nên khó đối sánh với điểm chuẩn của các năm trước thì tại Thái Bình, điểm chuẩn vào lớp 10 năm 2019 “tuột dốc không phanh” so với năm 2018. Mức điểm chuẩn ở hầu hết các trường đều giảm sâu từ 5 đến 10 điểm, thậm chí cá biệt có trường giảm tới gần… 20 điểm.

Trường Trung học phổ thông Bắc Duyên Hà luôn là một trong những trường có điểm chuẩn cao của Thái Bình, là trường dẫn đầu về điểm đầu vào của 4 trường trung học phổ thông công lập thuộc huyện Hưng Hà. Năm 2018, điểm chuẩn vào lớp 10 của trường là 30 điểm. Tuy nhiên, năm 2019, điểm chuẩn “rơi tự do” chỉ còn 10,5 điểm, giảm gần 20 điểm, đưa Bắc Duyên Hà trở thành trường có điểm chuẩn thấp nhất trong tổng số 28 trường trung học phổ thông công lập của toàn tỉnh. Thí sinh chỉ cần đạt trung bình 2,1 điểm/môn đã đủ điểm đỗ vào trường.

Điểm chuẩn của các trường năm 2018 và 2019

Biến động điểm chuẩn gây “sốc” lớn nhất cho học sinh và phụ huynh Thái Bình là tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đức Cảnh, một trường vốn luôn có điểm chuẩn cao nhất trong hệ thống các trường công lập của Thái Bình, chất lượng đầu vào chỉ xếp sau trường chuyên của tỉnh. Năm 2018, điểm chuẩn vào Trung học phổ thông Nguyễn Đức Cảnh là 37,25 điểm, cao nhất tỉnh. Tuy nhiên, năm nay, điểm chuẩn chỉ còn 25 điểm, giảm 17,25 điểm, xếp sau gần 10 trường khác.

Các trường Trường Trung học phổ Thái Ninh, Trung học phổ thông Bắc Kiến Xương cũng có mức điểm chuẩn giảm đến 15 điểm so với năm 2018, chỉ còn ở mức trên 10 điểm. Trường Trung học phổ Thái Ninh giảm từ 30 điểm xuống 14,75 điểm, Trung học phổ thông Bắc Kiến Xương giảm từ 27,5 điểm xuống 12,25 điểm, Trung học phổ thông Vũ Tiên giảm từ 28,25 điểm xuống 19,5 điểm…

Tại Hà Nội, điểm chuẩn thấp kỷ lục của trường Trung học phổ thông Thăng Long, trường thuộc tốp đầu của quận Hai Bà Trưng và cũng là của thành phố Hà Nội, đã khiến thí sinh và phụ huynh “dậy sóng”. Thường xuyên có điểm chuẩn ở ngưỡng trên 50 điểm nhưng năm 2019, điểm chuẩn nguyện vọng một của trường Thăng Long chỉ còn 40 điểm. Thậm chí, với chỉ 40 điểm, trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu và phải tiếp tục hạ điểm chuẩn xuống 30 điểm, đồng thời xét tuyển tràn tuyến với mức 42 điểm.

Vẫn đảm bảo chất lượng?

Việc điểm chuẩn của nhiều trường tuột dốc, thậm chí ở ngưỡng quá thấp, khiến dư luận không khỏi lo ngại về chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo và các trường lại cho rằng chất lượng vẫn ổn định do số lượng thí sinh điểm thấp không nhiều và điểm bình quân đầu vào của các trường vẫn cao. Việc các trường phải lấy đến các thí sinh điểm thấp do số lượng đăng ký thấp so với chỉ tiêu tuyển của trường. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, cho rằng việc điểm các trường có thương hiệu giảm mạnh có nguyên nhân do phụ huynh và thí sinh lo ngại bị trượt nên đăng ký ít hơn.

Phân tích ví dụ cụ thể, ông Hiếu cho biết, Trường Trung học phổ thông Bắc Duyên Hà giảm đến gần 20 điểm có 594 thí sinh dự thi trong khi chỉ tiêu của trường là 581 học sinh, nên chỉ có 13 thí sinh bị loại. Dù điểm đầu vào thấp nhưng Trường Bắc Duyên Hà có điểm trung bình từng môn nằm trong tốp những trường cao nhất tỉnh, ví dụ môn Văn có điểm trung bình là 6,82 điểm, cao thứ ba trong số 28 trường. Trong số 581 thí sinh trúng tuyển, có đến 487 thí sinh có tổng điểm trên 30 điểm (chiếm 88%), trong đó có 51 thí sinh từ 40 điểm trở lên. Đặc biệt, cũng tại trường này có 2 thí sinh đạt 45 điểm trở lên và là hai trong số ba thủ khoa của tỉnh trong kỳ thi năm nay. Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đức Cảnh lấy 630 chỉ tiêu nhưng chỉ có 647 thí sinh đăng ký. Tuy trường có điểm chuẩn 25 điểm nhưng có đến 93% học sinh trúng tuyển có tổng từ 30 điểm trở lên.

Tương tự, lãnh đạo trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội) cũng cho rằng do các năm trước, trường luôn có điểm chuẩn cao nên thí sinh và phụ huynh e dè trong việc đăng ký. Năm học 2019-2020, trường được giao 675 chỉ tiêu, có 870 học sinh đăng ký dự tuyển, nhưng trong số này có khoảng 130 em đỗ vào các trường chuyên. Vì thế, chỉ còn lại khoảng 740 em. Dù lấy điểm chuẩn thấp nhưng thực tế, số lượng học sinh đạt mức này đỗ vào trường rất ít. Trong số các học sinh trúng tuyển, có trên 400 em đạt trên 50 điểm, có thí sinh đạt đến 56,5 điểm, chỉ kém thủ khoa của Hà Nội 0,25 điểm. Theo đó, lãnh đạo trường Thăng Long cho rằng điểm chuẩn thấp không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường.

Phó giám đốc phụ trách của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, bà Hoàng Thị Lý cũng cho rằng, dù điểm chuẩn ở nhiều trường của tỉnh thấp, thậm chí xuống 4 điểm cho 5 môn thi, nhưng số lượng các thí sinh có mức điểm này không nhiều. Ở mỗi trường, chỉ có một vài thí sinh đỗ với mức 4 điểm, đa phần thí sinh đỗ với điểm cao hơn.

Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận là điểm thi của thí sinh trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay ở nhiều địa phương rất thấp, dẫn đến điểm chuẩn thấp, dù đề thi được đánh giá là không khó. Tại Khánh Hòa, số thí sinh đạt điểm trung bình trở lên ở môn Tiếng Anh chỉ có 25,9%, ở môn Ngữ văn chỉ 33,6%. Ở môn Toán, tỷ lệ này có cao hơn, đạt 47,6%, nhưng có đến 668 thí sinh bị điểm 0.

“Trong những nguyên nhân dẫn đến điểm thi thấp, có nguyên nhân do sau nhiều năm tỉnh chỉ xét tuyển mà không thi tuyển vào lớp 10 nên học sinh có tâm lý chủ quan, có em mất căn bản ngay từ đầu. Các giáo viên đánh giá chưa sát,” bà Lý thẳng thắn chia sẻ.

Phó giám đốc phụ trách của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cho hay, Sở coi đây là một kênh tham chiếu quan trọng để từ đó có những điều chỉnh trong kế hoạch và phương pháp giáo dục, đào tạo, kiểm tra đánh giá của ngành thời gian tới.

Thách thức bài toán phân luồng

Bà Hoàng Thị Lý phân tích, có một nguyên nhân nữa dẫn đến điểm thi của nhiều em thấp là nhiều thí sinh ở Khánh Hòa đã không còn mặn mà với việc thi vào lớp 10 nên bỏ bài thi không làm, hoặc không tập trung ôn tập cho kỳ thi. “Do là tỉnh có thế mạnh về du lịch nên ở Khánh Hòa, nhiều học sinh đã lựa chọn các trường trung cấp để vừa có bằng văn hóa, vừa học nghề, sớm đi làm. Đây cũng là một chuyển hướng phân luồng tích cực,” bà Lý chia sẻ. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cũng cho thấy, có đến 10 trường trung học phổ thông có số lượng thí sinh dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu. Trường Trung học phổ thông Tôn Đức Thắng chỉ có 249 thí sinh đăng ký trên 336 chỉ tiêu, chiếm 74%.

Tỉnh Khánh Hòa có 13.200 học sinh đăng ký vào lớp 10 trong khi số chỉ tiêu vào lớp 10 công lập là 12.200 em, khả năng đáp ứng nhu cầu là trên 92,4%. Lãnh đạo một trường trung học phổ thông Khánh Hòa thành thật chia sẻ với báo chí: điểm chuẩn thấp nhưng không lấy xuống để tuyển học sinh thì các em không có chỗ học, trường không đủ chỉ tiêu, giáo viên bị thừa.

“Từ thực tế này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu hướng giảm chỉ tiêu vào lớp 10 công lập,” bà Lý cho hay.

Phân luồng sau trung học cơ sở, hướng học sinh đi học nghề là vấn đề đã được đặt ra rất nhiều năm nhưng không hiệu quả. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác này, ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Đề án xác định mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ này là 40%.

Theo tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục tại Hà Nội, đa số học sinh và phụ huynh vẫn cho rằng chỉ có thể học nghề sau bậc trung học phổ thông, vào lớp 10 là con đường duy nhất sau trung học cơ sở. Trong khi đó, số học sinh giảm nhưng quy mô đào tạo trung học phổ thông không giảm, thậm chí có xu hướng tăng lên.

Biều đồ thể hiện sự chênh lệch điểm chuẩn giữa trường cao nhất và thấp nhất của một số địa phương

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, tỷ lệ học sinh học hết lớp 9 đăng ký dự tuyển vào lớp 10 công lập là 84,6%. Thành phố có trên 85.000 học sinh dự thi vào lớp 10. Tuy nhiên, nếu tính cả chỉ tiêu của các trường công lập (với trên 64.400 chỉ tiêu) và trường ngoài công lập (với trên 21.800 chỉ tiêu), tổng chỉ tiêu vào lớp 10 của Hà Nội là trên 86.600 chỉ tiêu, vẫn dư chỗ cho các học sinh có nhu cầu vào lớp 10.

Tương tự, tại Thái Bình, có 17.857 học sinh dự tuyển vào lớp 10 công lập trong khi chỉ tiêu là 15.265 chỉ tiêu, đáp ứng trên 85,4% nhu cầu của thí sinh. Ngoài 29 trường công lập, tỉnh còn có 10 trường trung học phổ thông ngoài công lập, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của hơn 2.000 học sinh bị loại.

Việc các trường “vét” học sinh dẫn đến sự chênh lệch rất lớn giữa điểm chuẩn các trường nhóm đầu và trường nhóm dưới.

Theo các chuyên gia giáo dục, trong khi tâm lý học sinh và phụ huynh vẫn muốn cho con học lên lớp 10 sau lớp 9, công tác định hướng hướng nghiệp kém, giáo dục nghề nghiệp ít biến chuyển tích cực, quy mô trường trung học phổ thông ở các địa phương vẫn đáp ứng được nhu cầu của người học, thì việc điểm chuẩn vào lớp 10 ở nhiều trường thấp là khó tránh, và bài toán phân luồng sau trung học cơ sở mãi chỉ là đề án bất khả thi./.

Theo: Viet Nam Plus