Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Bên lề Kỳ họp thứ 8: Quản lý thị trường tấn công vào những điểm nóng

Một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 6/11 là vấn đề liên quan đến quản lý thị trường.

Xung quanh nội dung này, Bộ Công Thương khẳng định tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cán bộ của Tổng cục Quản lý thị trường theo đúng tinh thần tại các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Bộ Công Thương, sau một năm hoạt động theo mô hình Tổng cục ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, quản lý thị trường đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, phối hợp giữa các đơn vị trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thống kê cho thấy, trong thời gian này, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước tính giá trị hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. Đáng lưu ý, lực lượng quản lý thị trường đã chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự trên 100 vụ việc.

Nhận định từ lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho thấy hoạt động của lực lượng quản lý thị trường cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bình ổn thị trường.

Đơn cử, lực lượng quản lý thị trường đã tấn công được vào những điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được tại hai trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái (Quảng Ninh); các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội (chợ Ninh Hiệp, Phú Xuyên) và tại Thành phố Hồ Chí Minh (chợ Bến Thành); kiểm tra xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang (Khánh Hòa). Đặc biệt, vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, tạm giữ gần 300 tấn đường cát có dấu hiệu nhập lậu tại Bình Dương.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, hoạt động quản lý thị trường trong phòng, chống gian lận thương mại vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân. Chẳng hạn như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn lưu hành ở nhiều nơi nhất là khu vực đô thị… ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, việc kiện toàn nhân sự của Tổng cục Quản lý thị trường vừa qua gặp vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước như quy định về tuổi bổ nhiệm, trình độ chính trị, trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch công chức…

Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tổng thể của các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.

Đặc biệt, việc kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, trong khi phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh; đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống dịch bệnh, giải tỏa chợ, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành, nên chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ, kinh phí hoạt động của lực lượng quản lý thị trường còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều đội Quản lý thị trường vẫn phải thuê hoặc mượn trụ sở làm việc…

[Thu hàng nghìn sản phẩm quần áo có dấu hiệu làm giả xuất xứ Việt Nam]

Để khắc phục thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho hay thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cán bộ của Tổng cục Quản lý thị trường theo đúng tinh thần tại các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các chiến lược phát triển lực lượng quản lý thị trường theo từng giai đoạn nhằm đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhằm xử lý có hiệu quả hơn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bộ sẽ thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, triệt để các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hơn 3.100 chai rượu ngoại lậu các loại vừa bị các lực lượng chức năng Quảng Bình bắt giữ. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết Bộ Công Thương sẽ tích cực chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là bộ đội biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ. Đặc biệt, Bộ chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như: thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Đặc biệt, Bộ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân; tăng cường hợp tác với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong việc cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus