Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Bất cập sau khi ban hành bảng giá đất mới

Bảng giá đất giai đoạn 2015 – 2019 hết hiệu lực từ ngày 31-12-2019. Bảng giá đất mới giai đoạn 2020 – 2024 ban hành ngày 18-2, có hiệu lực từ ngày ký. Vì vậy, hàng trăm hồ sơ đất đai đã nộp tại các văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) và chi cục thuế cấp huyện trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến 17-2 không biết áp dụng theo bảng giá đất nào để tính thuế.


Hồ sơ tồn đọng


Theo quy định tại Khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm 1 lần và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan nên tỉnh không kịp ban hành bảng giá đất mới theo quy định. Đến ngày 7-2, HĐND tỉnh mới tổ chức kỳ họp bất thường thông qua bảng giá đất 5 năm giai đoạn 2020 – 2024. Đến ngày 18-2, UBND tỉnh mới có quyết định ban hành bảng giá đất mới. 



Một khu vực phân lô bán nền trên địa bàn xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang.


Lãnh đạo VPĐKĐĐ tỉnh cho biết, theo các quy định pháp luật, nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất được tính theo giá đất tại thời điểm VPĐKĐĐ gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế hoặc thời điểm người sử dụng đất nộp đủ hồ sơ hợp lệ. Vì vậy, các hồ sơ đất đai tiếp nhận sau ngày 31-12-2019, các Chi nhánh VPĐKĐĐ ở các huyện, thị xã, thành phố gửi kèm bảng giá đất cũ là không phù hợp quy định của pháp luật.


Những tưởng khi có bảng giá đất mới thì các hồ sơ tồn đọng sẽ được giải quyết, nhưng bất cập ở chỗ bảng giá đất mới có hiệu lực từ ngày ký nên hàng trăm hồ sơ đất đai mà các cơ quan chức năng đã tiếp nhận không biết xử lý thế nào cho đúng quy định pháp luật. Bà V.T.N (TP. Nha Trang) cho biết, ngày 2-1, bà cùng bà Đ.T.D.S.H có làm thủ tục công chứng mua bán thửa đất tại đường Vân Đồn (phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) và làm thủ tục đăng ký biến động sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại bộ phận một cửa của UBND TP. Nha Trang. Tuy nhiên, thời điểm đó, bảng giá đất cũ đã hết hiệu lực, cơ quan chức năng không có cơ sở tính thuế chuyển nhượng để bà N. thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Ngày 4-3, bà N. đã làm “đơn cam kết” gửi VPĐKĐĐ TP. Nha Trang và Chi cục Thuế TP. Nha Trang xin được tính thuế hồ sơ của bà trên cơ sở bảng giá đất mới và cam kết không khiếu kiện gì về sau. Được biết, ngoài bà N. còn có nhiều trường hợp khác cũng đã làm “đơn cam kết” để được giải quyết hồ sơ.


Nên thực hiện phương án có lợi cho dân


So với bảng giá đất ban hành năm 2015, bảng giá đất mới ban hành tăng từ 30 đến 50% tùy vào các khu vực đồng bằng, miền núi, các trục giao thông… Như vậy, những hồ sơ đất đai nộp sau ngày 31-12-2019 và trước ngày 18-2 mà áp dụng theo bảng giá đất mới thì người dân sẽ bị thiệt thòi khá nhiều. Đại diện lãnh đạo VPĐKĐĐ tỉnh cho rằng, trước đây, khi người dân nộp hồ sơ đất đai và được các Chi nhánh VPĐKĐĐ chuyển cho các chi cục thuế, lúc đó chưa ban hành bảng giá đất mới nên các chi cục thuế đề nghị trả hồ sơ. Tuy nhiên, thấy việc trả hồ sơ sẽ gây phiền hà cho người dân nên cơ quan chức năng vẫn lưu hồ sơ chờ bảng giá đất mới.


Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh cho rằng, trong khoảng thời gian bảng giá đất cũ đã hết hiệu lực và bảng giá đất mới chưa được ban hành, cơ quan chức năng cần đưa ra phương án giải quyết phù hợp với luật và không gây thiệt thòi cho dân. “Quan điểm cá nhân của tôi là: Nhà nước ban hành chậm thì phải có trách nhiệm khắc phục giải quyết, áp dụng pháp luật không gây thiệt hại cho dân. Về pháp lý, bảng giá đất cũ chỉ hết hiệu lực khi có quyết định mới thay thế. Do đó, nếu không giải quyết hồ sơ đất đai cho dân trong thời hạn luật định, hoặc áp giá theo hướng bất lợi cho dân thì phải coi đó là hành vi, quyết định hành chính trái luật, gây thiệt hại cho người sử dụng đất. Thiết nghĩ, Chủ tịch UBND tỉnh cần có ý kiến chỉ đạo vấn đề này để không gây khó khăn, thiệt hại cho dân”, Luật sư Nguyễn Hồng Hà nói.






Theo: Báo Khánh Hòa