Thời gian gần đây, người dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tỏ ra lo lắng, bất an khi tình trạng người trồng xoài sử dụng thuốc bón gốc trong xử lý xoài trái vụ rất lớn, để lại nhiều hệ lụy đối với mạch nước ngầm.
Người dân lo lắng
Ông Trần Văn Bảy ở thị trấn Cam Đức bày tỏ: “Dịp Tết giá xoài tăng cao nên nhiều nông dân đã xử lý để cho xoài ra trái vụ. Từ đó, tình trạng sử dụng các loại thuốc bón gốc để xử lý xoài trái vụ ngày càng tăng, gây ô nhiễm môi trường, nhất là ảnh hưởng đến mạch nước ngầm mà người dân sử dụng”.
Ông Nguyễn Văn Thư – cán bộ phụ trách nông nghiệp thị trấn Cam Đức cho biết: “Trên địa bàn thị trấn hiện có 670ha xoài, do giá bán xoài trái vụ rất cao, có thời điểm hơn 100.000 đồng/kg nên nhiều nhà vườn đã tìm cách xử lý để ép xoài ra trái vụ. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc xử lý gốc trong trồng xoài chủ yếu diễn ra vào thời điểm xử lý xoài trái vụ, chứ đúng vụ người dân rất ít sử dụng, hoặc sử dụng không đáng kể, chỉ những vườn xoài bị sâu bệnh mới dùng thuốc bảo vệ thực vật”.
Trong khi đó, ở xã Cam Hiệp Bắc có 300ha xoài, tuy chưa có con số thống kê cụ thể về số diện tích xoài được người dân xử lý trái vụ nhưng ước tính khá lớn. Người dân chủ yếu sử dụng thuốc Toba Jum hay sử dụng hóa chất điều tiết sinh trưởng Paclobutrazol và một số loại phân bón lá có chứa nhiều lân và kali để xử lý xoài ra hoa trái vụ, với liều lượng khoảng 1kg/8 gốc xoài đường kính 60cm, xoài càng lớn thì liều lượng sử dụng càng nhiều.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm, vụ xoài chính ở Cam Lâm thường bắt đầu từ tháng 4, sau Tết Nguyên đán, nhưng rất nhiều nhà vườn trồng xoài đều xử lý cho ra bông sớm hơn, làm xoài trái vụ để lấy trái bán dịp Tết. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng có rất nhiều trong số hơn 5.000ha xoài của địa phương được người dân xử lý trái vụ. Vụ xoài Tết Mậu Tuất 2018, năng suất xoài trái vụ không cao do ảnh hưởng của bão, đồng thời mưa lớn và gió làm xoài bị rụng trái.
Có để lại hệ lụy?
Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm, việc sử dụng thuốc bón gốc xoài để xử lý xoài trái vụ đến nay vẫn chưa có khuyến cáo nào liên quan đến việc ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, bảo vệ môi trường, UBND huyện khuyến cáo người dân phải sử dụng đúng cách, đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, để tăng cường quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Cụ thể, trong năm 2017 đã kiểm tra 24 cơ sở, đã xử lý 4 cơ sở vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Thư cho biết: “Thực tế, các hộ trồng xoài không dám sử dụng nước giếng, bởi lo ngại các loại thuốc ngấm vào mạch nước ngầm. Rõ nhất là vào thời gian xử lý xoài trái vụ, các loại cây ăn quả khác trồng gần cây xoài đang sử dụng thuốc xử lý đều có hiện tượng quắn lá, lá nhỏ không phát triển được, quả bị hư, thối… Nhiều hộ đã phản ánh về tình trạng này”.
Điều người dân Cam Lâm mong muốn hiện nay là các ngành chức năng của tỉnh vào cuộc, xác định mức độ ảnh hưởng của các loại thuốc xử lý xoài trái vụ đối với môi trường, nhất là đối với mạch nước ngầm; ảnh hưởng ra sao đối với sức khỏe của người dân, từ đó có những khuyến cáo cụ thể.
BÍCH LA
Theo: Báo Khánh Hòa