Tận dụng lúc ruộng muối rảnh vụ, diêm dân ở các địa phương làm muối như: Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã đầu tư nuôi tôm trên ruộng muối. Tuy nhiên, việc nuôi tôm trái vụ khá phập phù.
Phường Ninh Hải là địa phương có điều kiện phù hợp với nghề làm muối. Tuy nhiên, nghề muối chỉ làm được vào mùa nắng; các tháng còn lại, diêm dân phải bươn chải nhiều nghề khác nhau để lo cho cuộc sống. Tận dụng những ruộng muối để hoang vào mùa mưa, nhiều diêm dân ở phường Ninh Hải đã mạnh dạn nuôi tôm trên ruộng muối. Ông Nguyễn Hữu Tấn (tổ dân phố Đông Hà), một trong những hộ nuôi tôm trên ruộng muối cho biết, nhiều năm qua, gia đình ông chỉ có nghề làm muối. Để tăng thu nhập cho gia đình, ông tận dụng 2ha ruộng muối để nuôi tôm theo hình thức quảng canh vào mùa mưa. “Tôm nuôi trên ruộng muối cũng rất bấp bênh, năm được năm mất, có khi chết trắng ruộng do dịch bệnh. Đó là chưa kể nuôi tôm trái vụ còn gặp bất lợi do thời tiết mưa bão. Đơn cử như năm 2017, 2018, người nuôi tôm trên ruộng muối mất trắng do ao đìa bị mưa lũ, vỡ. Năm nay, gia đình ông thả 30 vạn giống xuống chưa đến 30 ngày thì tôm chết sạch.
Theo lãnh đạo UBND phường Ninh Hải, khi phong trào nuôi tôm trên ruộng muối mới hình thành khoảng những năm 1995, 1996, cả phường chỉ có vài hộ áp dụng. Đến những năm 2014 – 2015, toàn phường có khoảng 2/3 trong tổng số 50ha ruộng muối được khai thác nuôi tôm vào mùa mưa, nhưng hiện nay, diện tích nuôi chỉ còn khoảng 5ha. Nguyên nhân của việc thu hẹp này là do hiệu quả nuôi tôm không cao, người nuôi thường rơi vào cảnh thua lỗ do dịch bệnh, thời tiết. Tuy nhiên, nuôi tôm theo hình thức này, các hộ thả giống số lượng ít, không đầu tư cho ăn, chi phí thấp, thiệt hại cũng không nhiều; nếu tôm không bị dịch bệnh thì cũng chậm lớn, lời lãi cũng không được bao nhiêu.
Tương tự, tại các tổ dân phố: Phú Thọ 2, Phú Thọ 3 (phường Ninh Diêm), những năm gần đây, người dân tranh thủ lúc kết thúc vụ muối liền tìm mua tôm giống về thả nuôi. Hộ có diện tích nhiều thì thả 40 – 50 vạn con, hộ ít 4 – 5 vạn con, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. “Do ruộng muối cạn, bờ bao thấp nên cơn bão số 6 vừa qua, tại các cánh đồng muối ở Phú Thọ 2, Phú Thọ 3 xảy ra tình trạng tôm từ ruộng nhà này tràn sang ruộng nhà khác. Mưa lớn khiến cho nước ngọt trong đìa nhiều, môi trường nước đột ngột thay đổi khiến tôm chết nhiều. Hiện nay, nhiều hộ không tiếp tục thả nuôi mà tháo nước để chuẩn bị ruộng cho mùa muối sang năm”, ông Lê Hữu Phát – Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Diêm cho biết.
Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi, người dân chỉ nên đầu tư 1 vụ tôm/năm, thả nuôi vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm (khi vừa kết thúc vụ muối). Sau 3 – 4 tháng nuôi, nếu tôm đã đến kích cỡ thu hoạch thì phải thu sớm để tránh thiệt hại do mưa bão. Người dân cũng nên thả tôm với mật độ vừa phải, chỉ nên thả nuôi mật độ 20 – 30% so với vụ nuôi tôm chính. Không nên đầu tư nhiều vì rất dễ gặp rủi ro.
Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, ước diện tích nuôi tôm trên ruộng muối ở địa phương khoảng 10% diện tích ruộng muối. Tuy nhiên, việc nuôi tôm trên ruộng muối phát triển tự phát, nuôi trái vụ thường xảy ra nhiều rủi ro nên người nuôi cần cẩn trọng. Chính quyền địa phương không khuyến khích người dân nuôi tôm trái vụ theo cách này.
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa