Hiện nay, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, trong khi nguy cơ cháy rừng trong mùa khô năm nay rất cao. Chính vì vậy, Chi cục Kiểm lâm đã kiểm tra, chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương phải tập trung tối đa cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Tình trạng vi phạm phức tạp

Gần đây, tại các địa phương Khánh Sơn, Khánh Vĩnh diễn ra tình trạng người dân phát rừng, làm rẫy, lấn chiếm đất rừng thuộc lâm phận của các chủ rừng nhà nước. Ông Nguyễn Văn Tân – Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Hiện đang là mùa phát, đốt nương rẫy của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Rẫy của người dân tiếp giáp với lâm phận của chủ rừng, vì vậy công ty đã chỉ đạo các trạm quản lý bảo vệ rừng phải thường xuyên tuần tra, nắm bắt tình hình. Vừa qua, tại lô 51, khoảnh 5, tiểu khu 178 (xã Giang Ly) có gần 2.000m2 rừng sản xuất thuộc lâm phận của công ty bị người dân chặt phá để làm nương rẫy. Ngoài ra, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cầu Bà cũng phát hiện, lập biên bản một số trường hợp phát, đốt, lấn chiếm đất rừng sản xuất của công ty”.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Lâm sản khai thác, vận chuyển trái phép bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ.

Lâm sản khai thác, vận chuyển trái phép bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ.

Trong khi đó, tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép cũng diễn biến khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm trong tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 62 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; qua xử lý đã tiến hành tịch thu 80,67m3 gỗ các loại. Điều khiến cho các địa phương lo lắng là hiện nay đang tiếp diễn tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ làm lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Ông Trần Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho hay: “Tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh hiện rất phức tạp, một số khu vực vẫn có nguy cơ phá rừng cao như: rừng căm xe Ninh Tây, rừng dọc tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng, Dốc Mỏ – Suối Hương của Vạn Ninh, một số khu vực ở Khánh Sơn. Các đối tượng ngày càng tinh vi, sử dụng các phương tiện xe máy độ chế, di chuyển trong rừng để tránh các chốt bảo vệ rừng. Nếu chính quyền địa phương, lực lượng chức năng không quyết liệt xử lý thì chắc chắn tình trạng này sẽ tiếp diễn và dễ trở thành điểm nóng”.

Một khó khăn mà lực lượng chức năng đang đối mặt hiện nay là các đối tượng vi phạm ngày càng manh động. Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng tỉnh chia sẻ: “Không còn dừng lại ở việc cử người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đang sử dụng nhiều hình thức tinh vi hơn để đối phó, như: khi vận chuyển gỗ trái phép, các đối tượng thường sử dụng 2 – 3 xe áp tải; khi phát hiện lực lượng chức năng truy đuổi, các xe áp tải này sẽ tìm cách cản trở để xe chở gỗ lậu tháo chạy. Ngoài ra, không ít đối tượng còn manh động, chống đối khi bị phát hiện, xử lý”.

Tập trung phòng cháy

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có hơn 62.000ha rừng trồng, gần 500ha rừng thông, hơn 400ha rừng tự nhiên là căm xe thuần loại. Trong khi đó, nhiều diện tích rừng xen lẫn với các diện tích canh tác của người dân, tình trạng phát, đốt nương rẫy của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đốt than trái phép, người đi rừng lấy mật ong, thu hái lâm sản trong rừng tăng cao… là những tác nhân có thể gây cháy rừng trong mùa khô.

Theo báo cáo của các hạt kiểm lâm địa phương, ngay từ đầu năm, các địa phương đã tập trung tối đa cho công tác PCCCR, tổ chức trực cháy 24/24 giờ; tiến hành kiểm tra công tác PCCCR tại các đơn vị chủ rừng; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để tham gia chữa cháy khi có sự cố cháy rừng xảy ra… Các địa phương đề nghị cấp trên trang bị thêm một số phương tiện phòng cháy, xây dựng bản đồ trọng điểm dễ cháy, bổ sung các biển báo cấm lửa tại những điểm ra vào rừng, những điểm dễ cháy để cảnh báo người dân… 

 
Để chủ động công tác PCCCR, vừa qua, Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành kiểm tra công tác này tại các hạt kiểm lâm địa phương. Qua kiểm tra, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt trực thuộc triển khai quyết liệt công tác PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ, với quan điểm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời. Trong đó, tập trung công tác ứng trực nhằm phát hiện sớm đám cháy để kịp thời dập tắt, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. Công tác tuyên truyền, đặc biệt tuyên truyền trong cộng đồng dân cư đang sinh hoạt, sản xuất gần rừng và ven rừng được làm thường xuyên, với nhiều hình thức… Đối với chủ rừng, ngoài xây dựng phương án PCCCR, cần tích cực triển khai các nội dung của phương án như: thi công ranh cản lửa; giảm vật liệu cháy bằng cách làm vệ sinh rừng; phân công lực lượng tuần tra, ứng trực các khu vực có nguy cơ cháy cao…

BÍCH LA
 

Theo: Báo Khánh Hòa