Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Bão số 14 sức gió 90 km/h khi áp sát Nam Trung Bộ

Trung tâm Dự báo Khí tượng và thuỷ văn trung ương cho biết lúc 10h ngày 18/11, tâm bão số 14 (tên quốc tế Kirogi) ở ngay trên phía bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 510 km về phía đông hơi chếch nam. Sức gió mạnh nhất đạt cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 11.

Khu vực nằm trong bán kính khoảng 150 km về phía bắc, 100 km về phía nam tính từ vùng tâm bão có gió mạnh trên cấp 6, giật trên cấp 9.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 14. Ảnh: NCHMF.

Mưa lớn trên diện rộng

Chiều và đêm nay, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, với vận tốc 20-25 km/h và tiếp tục mạnh thêm. Sáng 19/11, tâm bão ở ngay trên bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200 km về phía bắc, 150 km về phía nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.

Sau đó, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, với vận tốc 20-25 km/h, đi sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

So với bão số 12 (Damrey), bão số 14 dự kiến đổ bộ chệch xuống một chút về phía nam, vào khu vực Khánh Hòa tới Bình Thuận.

Ảnh hưởng của bão, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Từ sáng sớm 19/12, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa – Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão cao 5-6 m.

Cùng lúc, các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa vừa đến mưa rất to. Từ đêm mai, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía bắc, đến Hà Tĩnh.

Chỉ đạo cấm biển 

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 18/11, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm hướng dẫn cho 54.604 tàu cùng 251.796 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển đến vùng an toàn. Hiện vùng biển Cà Mau còn 698 tàu cùng 4.541 lao động chưa liên lạc được.

Hình ảnh vệ tinh của bão số 14 sáng 18/11. Ảnh: NCHMF.

 

Cũng trong sáng nay, tại cuộc họp ứng phó với bão số 14, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng lưu ý các địa phương rà soát, kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng biển nguy hiểm, sơ tán người dân và đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Các tỉnh, thành phố ven biển trong vùng ảnh hưởng (từ Đà Nẵng đến Kiên Giang) thực hiện lệnh cấm biển từ trưa 18/11 và sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn trên biển. Chủ lồng bè phải cam kết chịu trách nhiệm nếu để người ở lại trên lồng bè.

Thứ trưởng còn yêu cầu các đơn vị liên quan đảm bảo hồ chứa, đặc biệt là hồ xung yếu và đảm bảo vận hành hệ thống hồ chứa đúng quy trình.

Theo: Zing News