Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey).được dự báo sẽ đổ bộ vào Trung và Nam Trung Bộ, sáng 2-11, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp khẩn để bàn biện pháp ứng phó. Cuộc họp đã dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân trong “thảm kịch bão Linda” xảy ra ở Nam Bộ cách nay 20 năm, đúng vào ngày 2-11-1997, khiến gần 3.000 người chết và mất tích.
Khó đoán thiệt hại
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, lúc 16 giờ ngày 2-11, vị trí tâm bão số 12 ở vào khoảng 13,1 độ vĩ Bắc; 116,2 độ kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 750 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, đến 16 giờ hôm nay (3-11), vị trí tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 230 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ để ứng phó bão số 12 gây ngập nặng vùng hạ du Ảnh: NAM PHƯƠNG
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, Tây Nam, vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần thành áp thấp, gây mưa to trên diện rộng.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, cho biết dự báo của nhiều nước trong khu vực đều đưa ra nhận định bão số 12 sẽ hướng vào đất liền nước ta chứ không chỉ dừng lại trên biển.
Trọng tâm khu vực dự kiến bão có thể đổ bộ là phía Nam Trung Bộ. Như vậy, nếu sớm thì đêm 3 hoặc rạng sáng 4-11, bão sẽ đổ bộ vào đất liền. “Về cường độ, dự báo cơn bão số 12 rất mạnh. Theo dự báo của Hồng Kông, Nhật Bản, cho đến thời điểm này dự báo bão số 12 khi vào bờ nước ta khả năng sẽ mạnh cấp 11, gió giật cấp 14. Còn chúng tôi dự báo khi vào bờ khả năng bão sẽ mạnh cấp 10, gió giật cấp 13. Trọng tâm khu vực Nam Trung Bộ, khu vực ảnh hưởng Trung Trung Bộ gồm Quảng Nam, Đà Nẵng” – ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra hiện nay, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta và dự kiến đến tối 3-11 sẽ xuống tới khu vực vùng biển Trung Bộ, Nam Trung Bộ. Cùng lúc đó, hoàn lưu trước bão đã vào bờ.
Theo ông Cường, kết hợp 2 hình thế thời tiết nguy hiểm gồm không khí lạnh và bão rất mạnh, sẽ gây gió mạnh, sóng lớn. Đáng ngại là sau gió mạnh sẽ kèm theo mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất suốt từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hòa. Dự báo trong 2 ngày 3 và 4-11 mưa tập trung ở Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa; từ 5 đến 7-11 mưa sẽ tiếp tục mở rộng đến Quảng Bình, Nghệ An.
Cũng theo cơ quan trên, từ chiều 3-11, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Cũng trong hôm nay, 3-11, vùng biển ngoài khơi phía Nam các tỉnh từ Trà Vinh đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang tiếp tục có mưa giông, gió giật cấp 6-7.
Khẩn cấp ứng phó
Trước diễn biến bất thường của bảo lũ, tại cuộc họp trên, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai – yêu cầu các bộ ngành, cơ quan chức năng, địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 12 thực hiện nghiêm Công điện số 1659 ngày 1-11 của Thủ tướng về ứng phó tình hình mưa bão.
Đến cuối ngày, các tỉnh, thành trong vùng ảnh hưởng của bão cũng đã sẵn sàng các biện pháp ứng phó, phương án di dời, sơ tán dân khi cần thiết.
Tại Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết đã triển khai các biện pháp ứng phó bão vào cuộc họp sáng cùng ngày. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố ven biển như Phú Quý, Hàm Tân, La Gi, Tuy Phong và Phan Thiết cùng lực lượng chức năng triển khai các biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn trước đêm 2-11 (đến trưa 2-11 còn 1.830 tàu thuyền với 4.304 lao động đang hoạt động trên biển, gần bờ). Bên cạnh đó, rà soát và xây dựng phương án sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, sạt lở đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiệt hại sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên biển.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến trưa 2-11, đã có hơn 3.400 ghe, tàu cá với gần 14.400 ngư dân của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã vào bờ và đang neo đậu tại bến. Ngoài ra, còn có 1.251 ghe, tàu với gần 8.900 ngư dân các tỉnh khác cũng đang neo đậu tại tỉnh.
Chiều tối cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức cuộc họp khẩn, chỉ đạo rà soát toàn bộ hồ đập; quyết liệt di dời các hộ dân trên các lồng, bè nuôi cá cũng như trên các tàu cá đang neo đậu.
Tại Phú Yên, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong ngày 2-11, thủy điện Sông Ba Hạ tiếp tục xả lũ với lưu lượng 2.400 m3/giây, cùng với thủy điện Sông Hinh xả lũ lưu lượng hơn 550 m3/giây. Việc xả lũ này nhằm đưa mực nước các hồ thủy điện về mực nước đón lũ khi cơn bão số 12 dự báo đổ bộ vào Phú Yên. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên khẳng định đã triển khai công điện của Chính phủ về phòng chống bão đến các địa phương; thông báo cho 100% tàu thuyền tìm nơi tránh bão.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Khánh Hòa, tỉnh hiện có 9.790 tàu cá, trong đó có 317 tàu với 1.730 ngư dân đang hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đã nắm được thông tin về cơn bão số 12 và có kế hoạch phòng tránh; số phương tiện còn lại đã vào bến neo đậu.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh này đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương theo dõi kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu, thuyền trên biển; thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ; căn cứ tình hình vùng hạ du, chủ động điều tiết, xả lũ trước nhằm hạ mực nước hồ, để bảo đảm an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
TP HCM: Sẵn sàng di dời hơn 6.000 dân
Tại cuộc họp, ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết hệ thống sông Sài Gòn đang có đợt triều cường lớn với đỉnh triều ngày 5-11 là 1,63 m và ngày 6-11 là 1,68 m. Tình hình mưa bão kết hợp triều cường có thể gây ngập nặng.
Còn theo báo cáo của ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, trên địa bàn TP có tổng cộng 836 tàu thuyền hoạt động trên biển được kêu gọi quay về bờ tránh áp thấp nhiệt đới. Tính thời điểm hiện tại, còn 9 tàu, thuyền hoạt động ngoài khơi, đang di chyển gần nhà giàn DK1, di chuyển về Bến Tre, đảo Thổ Chu (Kiên Giang) và Cần Giờ (TP HCM) để tránh bão.
Đặc biệt, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn phương án di dời hơn 6.000 người dân ở Cần Giờ nếu có bão, áp thấp đổ bộ, chằng chống hàng trăm căn nhà. Các phương án di dời, bảo đảm an toàn tàu thuyền đã được chuẩn bị chờ lệnh của TP.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống bão; theo dõi sát các thông báo bão để kịp thời ứng phó. “TP có 10 triệu dân, nếu bão vào thì thiệt hại rất nghiêm trọng. Do đó phải hết sức đề phòng, không chủ quan, sẵn sàng các phương án phòng tránh bão” – ông Liêm lưu ý.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Theo: Người Lao Động