Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Băn khoăn chuyện… thoát nghèo

Bài 1: Người dân không muốn thoát nghèo?

Cùng một mảnh đất, người dân từ nơi khác đến định cư thì làm ăn rất khấm khá, nhưng người dân địa phương loay hoay mãi cũng không thoát được nghèo dù đã được Nhà nước hỗ trợ. Điều này cho thấy các chính sách giảm nghèo còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

Nhiều chính sách nhưng hiệu quả chưa cao

Công tác giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh cũng như ở các địa phương. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 27.392 hộ nghèo, chiếm 9,68% và 18.925 hộ cận nghèo, chiếm 6,68%. Để triển khai công tác giảm nghèo theo hướng đa chiều, tỉnh thực hiện 7 chính sách hỗ trợ về: y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng, dạy nghề, tiền điện, tiền Tết. Đồng thời, triển khai 4 dự án, chương trình gồm: Chương trình 135 về hỗ trợ vốn cho 5 xã và 8 thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát đánh giá. Tổng kinh phí năm 2016 dành cho 7 chính sách và 4 dự án hơn 2.000 tỷ đồng, qua đó giúp giảm được 6.013 hộ nghèo. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ gạo cứu đói cho 74.958 người nghèo dịp Tết với kinh phí hơn 13 tỷ đồng; cho hơn 22.400 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay hơn 496,7 tỷ đồng vốn; hỗ trợ xây 150 căn nhà cho hộ nghèo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện nay, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi. Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo giảm qua các năm, nhưng nhiều nơi, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn hơn 50%, cá biệt như huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh hơn 60%, 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hơn 50%. Tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo còn diễn ra hàng năm, điều này là do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, tách hộ…

Ông Nguyễn Quốc Thịnh – Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: “Chính sách dành cho hộ nghèo rất nhiều nhưng hầu như cấp phát, cho không, vì thế chưa thực sự phát huy hiệu quả. Vì đã có quá nhiều chính sách nên hầu như các địa phương không còn kiến nghị gì với tỉnh hay Trung ương về bổ sung thêm chính sách giảm nghèo. Trong thực tế, ở nhiều nơi cùng một mảnh đất, người dân từ nơi khác đến định cư thì làm ăn rất khấm khá, nhưng người dân bản địa vẫn loay hoay mãi không thoát được nghèo. Điều này là do cách triển khai chính sách chưa được phù hợp”.  

Bên cạnh đó, do có quá nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao. Việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương. Đơn cử như việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn được bố trí kinh phí từ nhiều chương trình như: 135, nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi… khiến nguồn lực từ các chương trình không thể lồng ghép được với nhau do quy định về quản lý, định mức, cơ chế đầu tư của từng chương trình khác nhau. Việc này đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của công trình, địa phương thì không chủ động được việc bố trí nguồn vốn theo nhu cầu…

Căn nhà phên tre mái tôn của gia đình anh Là Phiên và chị Cà Thị Chắc

Thích được làm… người nghèo

Gia đình ông Là Phiên (33 tuổi, ở thôn Dốc Đá Trắng, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) thuộc hộ nghèo nên được địa phương cấp cho hơn 7 sào rẫy để canh tác, cách nơi ở khoảng 20 phút đi bộ. Thế nhưng, nhiều năm qua, vợ chồng ông lại bỏ hoang cho cỏ mọc. Hàng ngày, ông Phiên đi làm thuê, làm mướn được 100.000 đồng, còn vợ ở nhà nuôi con. Mới đây, đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đến thăm gia đình ông Phiên và đưa ra ý hỗ trợ cây giống, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu và hướng dẫn ông cách chăm sóc để làm kinh tế vườn đồi. Tuy nhiên, ông Phiên nói: “Mọi thứ đã có Nhà nước lo, nên bây giờ tôi không muốn đi làm rẫy. Hàng ngày đi làm thuê, làm mướn cũng có tiền, có được đồng nào thì tiêu xài đồng đó”.

Tương tự, hộ ông Hứa Văn Biên (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam) đã hơn 10 năm trong diện hộ nghèo. Nhà có 3 nhân khẩu, ông Biên năm nay 38 tuổi là lao động chính nhưng lại không đi làm mà chỉ ở nhà uống rượu. Vợ ông đi ươm keo giống thuê mỗi ngày được 100.000 đồng, đây là thu nhập chính nuôi cả gia đình. Khi được hỏi sao không đi làm? Ông Biên trả lời: “Nếu mình mà đi làm, có tiền, Nhà nước sẽ cắt mất hỗ trợ”. Được biết, gia đình ông Biên có hơn 1ha đất rẫy do bố mẹ để lại nhưng ông không canh tác mà để cho cỏ dại mọc.  

Ông Mấu Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có 4.754 hộ nghèo và 1.013 hộ cận nghèo. Nhiều năm qua, tỉnh và huyện đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhưng kết quả vẫn chưa cao. Đó là do còn có nhiều người nghèo không muốn thoát nghèo, chỉ trông chờ được hưởng chính sách của Nhà nước. Chính vì có nhiều chính sách cấp phát, cho không nên nhiều người có tư tưởng muốn được làm người nghèo “bền vững”. Huyện đã nỗ lực bóc tách đất rừng để giao cho hộ nghèo làm ăn, nhưng có nhiều hộ cấp xong rồi bỏ hoang, có hộ còn bán đất”.

Bà Lê Thị Mai Loan – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang cho hay, hiện nay, ở thành phố cũng có tình trạng hộ nghèo không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách. Nhiều hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại, chây lười lao động. Có nhiều trường hợp khi thành phố vận động, giới thiệu và tạo việc làm nhưng họ không chịu đi làm mà chỉ ở nhà ăn nhậu nhưng lại chưa có biện pháp xử lý…

Bất cập trong xác định hộ nghèo

Chuẩn nghèo đa chiều được quy định: thu nhập ở nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng, thành thị 900.000 đồng/người/tháng; cận nghèo ở nông thôn là 1 triệu đồng/người/tháng, thành thị 1,3 triệu đồng/người/tháng. Hộ nghèo ở nông thôn và thành thị thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; hộ cận nghèo ở thành thị và nông thôn thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Ông Võ Bình Tân – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, việc xét hộ nghèo không chỉ dựa trên mức thu nhập mà còn tính đến mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và tiếp cận thông tin. Với quy định này, khi triển khai thực hiện đã và đang phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập trong việc xác định đối tượng hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương. “Khi khảo sát, có nhiều hộ ở các thôn đảo, xã đảo có hẳn một chiếc tàu đánh cá hàng trăm CV, kinh tế ổn định nhưng lại thuộc hộ nghèo vì không có xe máy, tủ lạnh, không sử dụng điện thoại… Ở một số gia đình nông thôn, vấn đề lo cái ăn, cái mặc được xem là quan trọng nhất, nên đôi khi họ xem nhẹ các nhu cầu xã hội khác. Vì vậy, khi khảo sát theo chuẩn đa chiều, có gia đình tuy không nghèo về thu nhập, nhưng lại nghèo về phương diện khác, nên vẫn thuộc diện hộ nghèo”, ông Tân nói.

Bà Lê Thị Mai Loan cho biết: “Việc áp dụng bình xét hộ nghèo thiếu hụt các tiêu chí tiếp cận dịch vụ xã hội ở thành phố chưa được phù hợp. Bởi vì, có nhiều hộ hoàn cảnh rất khó khăn được người khác cho xe máy cũ, điện thoại cũ, tủ lạnh cũ nhưng không được xét vào diện hộ nghèo vì họ có đủ các tiêu chí. Có nhiều hộ đang phải đi thuê nhà để ở cũng không thuộc hộ nghèo vì trong quy định thuê nhà tức là vẫn có nơi ở…”.  

Có thể nói, với những tồn tại, bất cập hiện nay đã làm cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa đạt được hiệu quả cao. Cũng chính vì cách triển khai các chính sách giảm nghèo chưa được hợp lý, cùng với chưa có chế tài xử lý nên có nhiều hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.  

VĂN GIANG

Bài 2: Giải pháp gì để giảm nghèo hiệu quả?

Theo: Báo Khánh Hòa